Doanh nghiệp xuất khẩu hướng tới phát triển xanh

(Xây dựng) – Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược thích ứng nhanh trước xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục theo hướng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn về xanh hoá, bền vững và trách nhiệm xã hội.

Doanh nghiệp xuất khẩu hướng tới phát triển xanh
Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. (Ảnh minh họa)

Chiến lược thích ứng nhanh trong xu thế chung

Tại Hội nghị Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều ngày 4/7, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến về việc các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có chiến lược thích ứng nhanh trong những xu thế chung.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho rằng, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường và kết nối đối tác. Đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Vấn đề là, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu hướng tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội.

Doanh nghiệp xuất khẩu hướng tới phát triển xanh
Các chuyên gia tại Hội nghị Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi mới chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp. (Ảnh: VIAC)

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan; thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút dòng vốn đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng và xa hơn là tạo động lực cho sự cải cách, đổi mới trong chính doanh nghiệp.

Tuy nhiên, song song đó các hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra nhiều áp lực khi buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh. Các thị trường lớn đã và đang tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa.

Do đó, các doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ; đồng thời, tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.

Cần quan tâm tới việc xanh hoá trong doanh nghiệp

Cũng tại Hội nghị, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp cần phải phát triển xanh vì tư duy phát triển đã thay đổi về chất. Phát triển xanh là mệnh lệnh do thị trường tiêu dùng đưa ra. Nếu không phát triển xanh, sản phẩm Việt sẽ gặp khó vì thị trường tiêu dùng sẽ loại bỏ.

Cũng theo ông Thành, phát triển xanh mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Theo đó, đến năm 2040 Việt Nam phải chi khoảng 368 tỷ USD đầu tư bổ sung; cộng dồn đến năm 2050, Việt Nam mất khoảng 13 – 19% GDP; Việt Nam sẽ bị giảm 30% giá trị xuất khẩu so với bây giờ khi thâm nhập vào thị trường các nước phát triển.

Doanh nghiệp xuất khẩu hướng tới phát triển xanh
Phát triển xanh mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc xanh hóa trong doanh nghiệp cũng nên được quan tâm đúng mực; trong đó, việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị là nhân tố mang tính sống còn trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bàn tới định hướng về mặt chính sách, TS. Võ Trí Thành đề xuất, cần tháo gỡ được hai điểm nghẽn là hạ tầng và nhân lực và chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng giá trị, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư FDI, tận dụng lợi thế và cơ hội để “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới nhiều biến động.

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, trong bối cảnh cảnh thế giới đang dành sự quan tâm lớn cho mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu và logistics đang bị đặt dưới nhiều áp lực liên quan đến rào cản kỹ thuật về môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thời gian tới, bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta sẽ phân hoá rất rõ rệt khi các doanh nghiệp thay đổi kịp thời, ứng phó hiệu quả tận dụng được cơ hội, phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, doanh nghiệp thích nghi chậm hơn sẽ có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức mới khi nhiều quy định siết chặt được đặt ra tại các thị trường mục tiêu.

Cũng theo Luật sư Châu Việt Bắc, trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC.

Nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Do đó, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương cũng là điều rất quan trọng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích