Doanh nghiệp Việt phải thích ứng như thế nào để xuất khẩu hàng hóa lĩnh vực tiềm năng sang EU?
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và Liên minh Châu Âu – EU nhận định, sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường EU là có nhưng quyết tâm thì chưa cao. Dù vậy, ông khẳng định, EU là một thị trường đủ lớn, bền vững và có lợi nhuận nếu làm ăn được.
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký Hiệp định Thương mại tự do với EU và là nước thứ tư ở Châu Á (thứ hai trong ASEAN) sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Các quốc gia này không cạnh tranh với Việt Nam trong xuất nhập khẩu các mặt hàng mà hiện chúng ta đang xuất khẩu sang EU, vì thế đó là lợi thế riêng của chúng ta.
EU là thị trường lớn với 450 triệu dân, có GDP 16.000 tỷ USD, nhập ngoài khối trên 3.000 tỷ USD, có tỉ lệ hàng tiêu dùng lớn – một lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng.
“Con đường cao tốc đã rộng mở với nhiều thuận lợi khi gần hết 90% trên 90% các mặt hàng của chúng ta vào EU đã về 0. Đây là lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt với các nước xuất khẩu các mặt hàng giống như chúng ta trong khu vực”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU đánh giá.
EU cũng là thị trường có tính ổn định và bền vững. Kể cả trong đại dịch Covid-19 hay xung đột Nga – Ukraine, nhu cầu của thị trường EU xê dịch không nhiều và không có tình trạng nay đóng cửa mai mở cửa.
Làm ăn với EU là làm ăn với các doanh nghiệp có công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiềm lực tài chính, kỹ năng quản trị và đi đầu trong các lĩnh vực phát triển xanh.
Hiện nay, EU có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 và đây chính là cơ hội cho những nước như chúng ta.
Thêm vào đó, để thu hút đầu tư thì phải tạo môi trường ổn định. Khi đi đầu tư, người ta thường quan tâm đến hai vấn đề quan trọng, đó là tính sinh lời và tính an toàn. Nếu Việt Nam đáp ứng cả hai yếu tố trên thì dòng đầu tư sẽ vào nhiều hơn. Một nhân tố nữa là tính thời điểm. Với tình hình thế giới hiện nay, toàn cầu hóa đã có sự phân mảng. Thay vì toàn cầu hóa trên toàn cầu thì có toàn cầu hóa diễn ra theo khu vực, theo chuỗi, ngành hàng và đối tác cùng chí hướng.
“Họ nhìn ta như một đối tác tiềm năng. Nếu chúng ta đón được làn sóng đầu tư này có thể thu hút được lượng đầu tư nước ngoài nói chung và thu hút về đổi mới sáng tạo nói riêng vào Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể tận dụng được điều đó nếu có môi trường đầu tư tốt và hành động quyết liệt để thu hút quảng bá đầu tư”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho hay.
Một trong những thuận lợi nữa trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU là chúng ta có mạng lưới cơ quan đại diện sâu rộng ở Châu Âu. Trong các châu lục, Châu Âu là địa bàn có nhiều cơ quan đại diện nhất. Hợp tác giữa Việt Nam với EU cũng diễn ra tốt đẹp với các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống.
“Thị trường EU là một thị trường tiêu chuẩn cao. Mọi người thường nói EU là thị trường khó tính nhưng chúng tôi muốn nói lại rằng, EU là thị trường tiêu chuẩn cao. Họ có tiêu chuẩn cao nhưng chúng ta chưa vào được, khác với hàng của chúng ta chất lượng tốt mà họ đóng cửa”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói, đồng thời nhận định đây là khó khăn chung của các nước muốn vào thị trường EU chứ không chỉ với riêng chúng ta.
EU cũng có hệ thống luật pháp phức tạp. Mặc dù chỉ có một hệ thống luật thương mại cho 27 quốc gia nhưng các điều khoản chồng chéo nhau, nếu thực hiện không cẩn thận sẽ dễ bị mắc lỗi. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin và hiểu biết về thị trường EU còn hạn chế, từ thị trường, đối tác, luật pháp… nên khi làm ăn sâu sẽ có nhiều rủi ro.
Khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và EU cũng là một thách thức trong hợp tác thương mại hai bên. Các vấn đề về chi phí vận chuyển, logistics phần nào làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, hàng hóa dịch vụ của Việt Nam chưa đảm bảo chất lượng của EU. Đây là thực tế và cũng là kết quả cho việc tại sao dù chúng ta có Hiệp định thương mại tự do với EU và trong 1 năm EU nhập từ ngoài khối tới 3.000 tỷ Euro, nhưng chúng ta chỉ xuất được vào, ngay cả rất thành công đi chăng nữa, cũng chỉ chiếm 1.7% vì hàng chúng ta chưa đảm bảo về chất lượng và quy mô. Doanh nghiệp Việt Nam khó có lượng hàng tồn kho và đủ nguồn cung trong 06 tháng liền để đảm bảo tính ổn định của thị trường.
“Không ai làm thay doanh nghiệp được. Chúng ta phải có quyết tâm, khi quyết tâm đủ lớn thì sẽ có lộ trình phù hợp. Thế giới phát triển và có những vấn đề là xu thế như phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Nếu chúng ta không thích ứng, chúng ta sẽ bị loại. Hai năm nữa các quy định về chống phá rừng, giảm phát thải carbon, trách nhiệm giải trình của EU sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu hàng chục tỷ USD của chúng ta mà nếu không chuẩn bị, chúng ta không trở tay kịp. Doanh nghiệp phải tìm hiểu và thích ứng với các quy định mới này. Nếu làm được với EU, tôi tự tin là chúng ta làm được với tất cả đối tác”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nói.
Phát triển xanh là xu thế thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài. Nếu tiếp cận và thích ứng ngay từ đầu thì chúng ta sẽ vượt các đối thủ thủ cạnh tranh, hưởng lợi thế kép từ EVFTA, đi trước phát triển xanh với lợi thế gấp bội. Nhưng nếu không thích ứng được thì chúng ta sẽ bị tụt hậu và mất đi lợi thế cạnh tranh có được từ EVFTA.
Việt Nam là một đất nước đang phát triển, chúng ta có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, khi EU ban hành chính sách trên, Chính phủ Việt Nam xác định đây là xu thế phát triển và chúng ta đã có những cam kết mạnh mẽ trong phát triển xanh. Cách tiếp cận của Việt Nam là chủ động, thích ứng với phát triển xanh. Đây cũng là yêu cầu của phát triển đất nước.
Chính phủ đã trao đổi đàm phán với EU để có các chương trình hỗ trợ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng tiếp cận các tiêu chuẩn của EU, trong đó có phát triển xanh và bền vững. Còn lại là tính chủ động thích ứng của doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp Việt Nam nếu nhận thức rõ và chuẩn bị tốt khi những chính sách này có hiệu lực thì chúng ta sẽ từng bước tiếp cận và vượt xa các đối thủ cạnh tranh”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo bình luận.
Chính phủ đã tạo một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác thông qua 16 hiệp định thương mại tự do với gần hết các đối tác lớn.
Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện nước ngoài, thông qua Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/08/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế, chương trình hành động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 21 đầu năm nay, yêu cầu ngoại giao kinh tế lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, lưu ý đến vấn đề lợi ích quốc gia, cũng như các đề trọng tâm, trọng điểm.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu