Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới tương lai bền vững

(Xây dựng) – Trước tình trạng biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ý thức về việc hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới tương lai bền vững
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Toạ đàm “Doanh nghiệp và phát triển bền vững”.

Chiều ngày 11/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Toạ đàm “Doanh nghiệp và phát triển bền vững” với sự tham gia của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia chính sách, các nhà nghiên cứu và các cá nhân ủng hộ phát triển bền vững.

Trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hành kinh doanh bền vững. Để tuân thủ các quy định toàn cầu về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng các chiến lược xanh như một lợi thế cạnh tranh và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.

PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã nắm khá rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mới nhất là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng có khá nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới tương lai bền vững
Gìn giữ môi trường, giảm phát thải, phát triển kinh tế tích cực với thiên nhiên sẽ quyết định đến tương lai bền vững của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

“Quan trọng nhất lúc này, các doanh nghiệp đã thực sự đã quan tâm và sẵn sàng hành động để phát triển bền vững chưa. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải có cái nhìn rộng hơn, tầm nhìn dài hạn hơn, chủ động hơn nữa trong tư duy và hành động”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Trên thực tế, nắm bắt các quy định hỗ trợ chuyển đổi công nghệ của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh.

Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam (đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền tái chế bao bì) chia sẻ, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam được thành lập từ 2019 gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống, bán lẻ, bao bì, tái chế. Đa số các thành viên là các tập đoàn đa quốc gia đã thực thi quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) ở các quốc gia khác, họ nhận thấy đây là xu thế tất yếu và sẽ sớm áp dụng ở Việt Nam.

Từ năm 2022, trước khi EPR có hiệu lực, dù Nhà nước không yêu cầu, nhưng nhận thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp tài chính, phối hợp, ủy quyền PRO Việt Nam tổ chức thu gom, tái chế các bao bì sản phẩm đã qua sử dụng. Cụ thể, năm 2022, PRO Việt Nam đã tổ chức thu gom, tái chế được 3.500 tấn bao bì; 2023 là 14.000 tấn. Theo kế hoạch, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì.

Trong lĩnh vực tái chế nhựa, Công ty Cổ phần Tái chế nhựa Duy Tân là một điển hình. Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Cổ phần Tái chế nhựa Duy Tân cho biết, hiện nay Nhà máy tái chế nhựa của công ty đạt tiêu chuẩn “3 không” trong quá trình sản xuất: Không rác thải – không khí thải – không nước thải. Năm 2023, Nhà máy đã tái chế được 2,3 tỷ chai nhựa, năm 2024 dự kiến sẽ tái chế 5 tỷ chai nhựa và đang hành trình hướng tới nhà máy tái chế có quy mô tầm cỡ thế giới. Hiện tại, sản phẩm nhựa tái chế của Công ty đang được xuất khẩu tới các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu.

Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới tương lai bền vững
Gìn giữ môi trường, giảm phát thải, phát triển kinh tế tích cực với thiên nhiên sẽ quyết định đến tương lai bền vững của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa.

Việt Nam đang là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở nhiều mặt: Giảm đa dạng sinh học rừng, nước biển dâng làm mất đi nguồn đất màu mỡ cho nông nghiệp là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ vậy, hạn hán làm hoang mạc hóa nhiều khu vực ở miềng Trung; tác động của biến đổi khí hậu còn tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, xã hội, kinh tế kém phát triển và nghèo đói…

Theo tài liệu công bố tại hội thảo, “bức tranh” mức độ sẵn sàng ESG ở Việt Nam với môi trường (E) là 22%; Xã hội (S) là 16%; Quản trị (G) là 62%… Các kết quả khảo sát khác nhau cho thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng cam kết vận hành và quản lý hoạt động một cách có trách nhiệm.

Các diễn giả và doanh nghiệp tại Tọa đàm cùng cho rằng, hành động của chúng ta hôm nay nhằm gìn giữ môi trường, giảm phát thải, phát triển kinh tế tích cực với thiên nhiên sẽ quyết định đến tương lai bền vững của Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể theo đuổi mục tiêu và sớm thành công trong quá trình phát triển bền vững thì Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách và có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích