Doanh nghiệp vẫn muốn giảm lãi suất cho vay
Tại Họp báo tình hình kinh tế – xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững.
Theo số liệu thống kê, kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
Ảnh minh họa. |
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,34% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,02%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%:…
Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong 6 tháng có 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động, 110,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng so với cùng kỳ năm trước. Có 43,6% doanh nghiệp cho biết mức độ cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước ngày càng gay gắt. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngay tại sân nhà.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Phí Thị Hương Nga, vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là đầu ra. Nguyên nhân do nhu cầu thị trường trong nước thấp và mức độ cạnh tranh tiêu thụ hàng trong nước cao. Đây là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỉ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.
Đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, bà Phí Thị Phương Nga cho hay có 27,4% doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh, 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.
Và có 18,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng lưu ý có 10,5% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), có hai yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nội địa.
Thứ nhất, do triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều ẩn số nên doanh nghiệp, người dân có tâm lý thắt chặt tiêu dùng, đầu tư. Điều này phản ánh qua chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng 6 tháng đầu năm rất cao. Khi cả người dân, doanh nghiệp đều phòng thủ thì vòng quay của hàng hóa, tiền tệ trên thị trường sẽ giảm xuống, nên doanh nghiệp rất khó bán được hàng. Doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ có tăng nhưng vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng của những năm trước Covid-19 và thấp hơn kỳ vọng.
Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hàng giá rẻ từ nước ngoài không chỉ của Trung Quốc sẵn sàng chèn lấn hàng nội địa. Hàng trong nước phải cạnh tranh với hàng ngoại chất lượng, mẫu mã tương đương, thậm chí nhỉnh hơn về chất lượng nhưng giá cả lại thấp hơn rất nhiều từ các nước xung quanh, nhất là từ Trung Quốc, trên sàn thương mại điện tử.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê ghi nhận, 47% doanh nghiệp mong muốn tiếp tục giảm lãi suất cho vay và 29% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào. Có 30,5% doanh nghiệp kiến nghị giải pháp ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất, 35,4% doanh nghiệp kiến nghị có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào. 31,2% doanh nghiệp đã kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp.
Về thị trường đầu ra, có 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, 21,4% doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô