Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số tăng gấp 3 lần so với trước đại dịch

Từ đầu năm đến tháng 8/2021, doanh số thương mại điện tử tăng 31,4% trên toàn cầu
Từ đầu năm đến tháng 8/2021, doanh số thương mại điện tử tăng 31,4% trên toàn cầu

Báo cáo “Phục hồi: Tái khởi động doanh nghiệp nhỏ” (Recovery Insights: Small Business Reset) của Mastercard chỉ ra tác động của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và quá trình phục hồi đang diễn ra đối với các doanh nghiệp nhỏ trên toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra rằng doanh số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) bị các công ty lớn bỏ xa đến 20% trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, năm 2021 ghi nhận xu hướng gia tăng về doanh số của các doanh nghiệp này. Từ đầu năm đến tháng 8/2021, tổng doanh số của các SMEs tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020 và doanh số thương mại điện tử tăng 31,4% trên toàn cầu.

Ông David Mann – Viện Kinh tế Mastercard nhận định: “Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, song ngay từ đầu, tình trạng phụ thuộc vào hỗ trợ của chính phủ và việc thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã khiến các SMEs khu vực châu Á – Thái Bình Dương gặp phải những khó khăn lớn hơn nhiều.

Trước những hạn chế đi lại và chiến lược “không Covid”, thương mại điện tử đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh giúp cho các tổ chức vượt qua đại dịch. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang kỹ thuật số đã mở đường cho thế hệ những nhà khởi nghiệp tiếp theo”.

4 xu hướng chủ đạo xuất hiện dưới tác động của COVID-19

1. Về Thương mại điện tử: Sau các đợt phong tỏa, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức trực tuyến mỗi tháng tăng gấp ba lần so với mức trước đại dịch, đỉnh điểm là vào tháng 7/2020. Điều này phản ánh sự gia tăng về nhu cầu đối với các kênh bán hàng trực tuyến. Sự chuyển dịch sang hình thức kinh doanh số đã duy trì đà tăng kể từ đó đến nay. Tại Úc, số người bán chấp nhận giao dịch thương mại điện tử vào năm 2020 lần đầu tăng 60% so với năm trước đó.

2. Về Khởi nghiệp: Năm 2020, có thêm khoảng 35% DN mới hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương so với năm 2019, tăng nhẹ so với mức trung bình toàn cầu 32% của SMEs và hơn 8 lần so với mức 4% của các doanh nghiệp lớn. Xu hướng này được thể hiện rõ nét nhất tại Úc (tăng 73%), Nhật Bản (tăng 38%) và Thái Lan (tăng 29%).

3. Gia tăng doanh số bán hàng tại khu vực dân cư: Do phạm vi di chuyển của khách du lịch và người lao động thu hẹp, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp nhỏ tại các khu vực thương mại đang bị ảnh hưởng, trong khi doanh số bán hàng trong các khu vực dân cư lại gia tăng.

4. Nhà hàng và Nơi lưu trú: Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ lẻ tăng trưởng vượt bậc so với các doanh nghiệp lớn từ năm 2020 đến năm 2021. Xu hướng du lịch tại địa phương đang đem lại lợi nhuận cho các công ty kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ lẻ. Điều này gây ảnh hưởng nhất định đến những khách sạn lớn tại các thành phố lớn.

Trái lại, kể từ đầu năm 2021 đến nay, các nhà hàng kinh doanh vừa và nhỏ trên phạm vi toàn cầu lại bị các đối thủ lớn bỏ xa khoảng 17%. Một ngoại lệ đáng chú ý là Hồng Kông, nơi các DN kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ và vừa vượt lên so với các doanh nghiệp lớn trong năm 2021.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích