Doanh nghiệp Thủ đô và “cơ hội vàng” từ các Hiệp định FTA

“Cơ hội” tới…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 FTA và 3 FTA đang đàm phán. FTA mới nhất được ký kết trong năm 2023 là FTA với Israel (VIFTA) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga… Điều này đã tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ngày một thuận lợi trong tiếp cận và tận dụng cơ hội mang lại từ các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã tham gia. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đã mở rộng, vươn xa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Doanh nghiệp Thủ đô và “cơ hội vàng” từ các Hiệp định FTA
Doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, chủ động đề xuất Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy các mặt hàng thế mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA.

Nhờ đó, Thành phố đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, Sở đã tham mưu, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng xuất, nhập khẩu. Tiêu biểu như kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác; thông tin tình hình thị trường, các kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp…

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho rằng, các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là “cơ hội vàng” cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở. Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Vinh, khi tham gia FTA sẽ có những khó khăn nhất định về hàng rào kỹ thuật, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, tiếng ồn, đời sống của cán bộ, công nhân viên… Tóm lại là phải có sản phẩm “sạch” để chúng ta mang ra thế giới.

Cùng chung ý kiến với bà Vinh, các doanh nghiệp Thủ đô cũng cho hay, khi tham gia FTA, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định kỹ thuật, chuẩn mức mới của quốc gia thành viên. Đặc biệt, khi tận dụng FTA, doanh nghiệp phải thích nghi với các thay đổi trong môi trường kinh doanh bao gồm cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về lao động… Và khi đảm bảo được những quy định này, thì việc tiếp cận thị trường sẽ trở nên đơn giản hơn.

… Làm sao để nắm bắt?

Với số liệu đưa ra có thể thấy, bước đầu các doanh nghiệp Thủ đô đã tận dụng tốt lợi thế từ các FTA mang lại, song theo các chuyên gia kinh tế, dư địa để khai thác lợi ích từ các FTA còn rất lớn. Theo Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng, đồng thời số doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA chưa nhiều. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA. Đây cũng là thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố.

Doanh nghiệp Thủ đô và “cơ hội vàng” từ các Hiệp định FTA
FTA cơ hội để doanh nghiệp Thủ đô tăng cường xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới.

Đánh giá nguyên nhân của những tồn tại mà doanh nghiệp Thủ đô đang mắc phải, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên nhân là do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thủ đô còn yếu, sản phẩm, hàng hóa phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, trong khi đó, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA lại gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết trong FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn nhằm hướng đến tận dụng những ưu đãi thuế quan…

Trong khi đó, đánh giá tiềm năng, cơ hội mang lại cho doanh nghiệp Thủ đô từ các Hiệp định FTA, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.

Trong đó, các FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại… Điều này, giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động. Cùng với đó, khi tận dụng tốt cơ hội từ FTA, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và điều này giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Để doanh nghiệp Thủ đô tận dụng tốt các FTA, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, thành phố Hà Nội cần rà soát toàn bộ các văn bản, hướng dẫn của Hiệp định mang lại và cần tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền một cách cụ thể, bài bản hơn, sâu rộng hơn. Cùng với đó, tăng cường liên kết, đào tạo, hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong khối để họ có thể trao đổi thông tin thường xuyên liên tục.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở văn phòng đại diện tại các nước trong khối thực hiện FTA, từ đó có thể kết nối các tham tán, đại sứ quán để làm sao thông tin được nhanh chóng, kịp thời hơn, đỡ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nước trong khối. Đặc biệt, phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo bởi nếu không đổi mới sáng tạo không cập nhật kịp thời những xu hướng mới thì những sản phẩm sẽ trở nên lạc hậu, sẽ không đủ sức cạnh tranh trong khi thế giới thay đổi liên tục…

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích