Doanh nghiệp thiếu đơn hàng đồng loạt kiến nghị hỗ trợ cơ chế

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa đại diện các Hiệp hội ngành hàng Việt Nam với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/9, đại diện nhiều Hiệp hội nêu ra những khó khăn từ nay đến cuối năm. Trong đó, tập trung vào quá trình tìm kiếm đơn hàng cũng như thị trường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới, nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.

Đồng loạt sụt giảm đơn hàng

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tỷ lệ lạm phát cao tại nhiều quốc gia trên thế giới đang ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Trước đây, thị trường Mỹ luôn ổn định và có sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, nhưng hiện nay người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, tận dụng tối đa sản phẩm tái chế nên việc đưa các sản phẩm tiêu ra thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, hoặc có đơn hàng xuất khẩu nhưng giá trị cũng sụt giảm mạnh.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng đồng loạt kiến nghị hỗ trợ cơ chế
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Quốc Khanh cũng thông tin, kể từ tháng 7 đến nay, đơn hàng xuất khẩu của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bắt đầu suy giảm. Hiện tượng suy giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hầu hết các thị trường lớn của ngành đã có dấu hiệu suy thoái. Chính vì thế, hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai của thủ công mỹ nghệ là rất quan trọng.

“Các DN không có điều kiện tiếp cận trực tiếp nên khả năng tìm hiểu đối tác xuất khẩu hết sức hạn chế, gây khó khăn cho DN trong việc đưa ra chiến lược và điều này khiến cho các DN sản xuất hết sức bị động. Nếu thông qua hệ thống thương vụ, DN có dịp giới thiệu trực tiếp với khách hàng tiềm năng, sẽ là cơ hội hợp tác tốt hơn, phòng ngừa những rủi ro trong giao dịch thương mại”, ông Khanh đặt vấn đề.

Mặc dù nhận thấy những dấu hiệu tốt từ xuất khẩu nguyên liệu trung gian của ngành gỗ như viên nén, nguyên liệu giấy, nguyên liệu ván ép những tháng gần đây, song ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng thừa nhận, xuất khẩu đồ gỗ nội thất đang sụt giảm rất mạnh, đặc biệt là tại thị trường Mỹ và thị trường châu Âu. Trong khi hai thị trường này chiếm khoảng trên 70% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Vì thế dự kiến trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ chỉ có thể đạt từ 16 – 16,5 tỷ USD.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng đồng loạt kiến nghị hỗ trợ cơ chế
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp.

Từ thực tế này, ngành gỗ đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành khác kiểm soát chặt chẽ vấn đề xuất xứ nguồn gốc gỗ tránh những vụ kiện về phòng vệ thương mại. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phối hợp chặt chẽ, đề xuất với Chính phủ Mỹ xử lý công bằng các vụ kiện phòng vệ thương mại đồi với ngành gỗ.

Tương tự, ông Bạch Thanh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển mới để đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê hướng đến 3,9 tỷ USD. Các thương vụ cần cập nhật kịp thời về thông tin đặc thù của từng thị trường cũng như các quy tắc của nước sở tại nhằm hỗ trợ xuất khẩu cà phê, ca cao.

Thương vụ khuyến cáo DN tiếp cận các thị trường nhỏ

Tại hội nghị giao ban, thông tin thị trường và giải đáp đề xuất từ phía các Hiệp hội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) thông tin, hiện nay trong cộng đồng kinh doanh ở Texas ngày càng quan tâm đến việc đẩy mạnh đầu tư và thương mại với Việt Nam trong tất cả các ngành nghề.

“Bang Texas có tiềm năng về khai thác dầu thô và khí đốt, quặng khoáng, hóa chất, thực phẩm, thiết bị vận tải, máy móc và sản phẩm kim loại, điện tử và đây là những lĩnh vực tiềm năng để đầu tư tại Việt Nam. Hiện có hàng trăm ngàn Việt kiều đang sinh sống, kinh doanh tại Texastạo thành cộng đồng người Việt lớn tại Mỹ. Nhiều siêu thị lớn nhất ở Texas do người Mỹ gốc Việt làm chủ sẽ là đầu mối tốt cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”, ông Quyền nêu lợi thế.

doanh nghiep thieu don hang dong loat kien nghi ho tro co che hinh anh 3
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ).

Theo ông Phạm Tuấn Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria (kiêm nhiệm Macedonia), ở Bulgaria, các tập đoàn thương mại quốc tế có chính sách nhập hàng hóa theo chủ trương chung từ các công ty mẹ tại từng khu vực. Những sản phẩm mây tre đan, đồ gỗ, cao su… từ Việt Nam được bán tại các hệ thống siêu thị lớn nhưng đơn vị nhập khẩu lại đến từ Đức, Thụy Điển… các công ty của Bulgari chỉ nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu thị trường.

“Hầu hết các sản phẩm của Việt Nam đều được nhập từ khu vực châu Âu. Nhiều đối tác tại Bulgaria đã từng liên hệ nhập hàng trực tiếp từ Việt Nam, nhưng với dung lượng thị trường nhỏ nên họ chỉ muốn nhập thử nghiệm từ mức 1/2 hoặc 2/3 container, nhưng phía Việt Nam yêu cầu phải nhập số lượng ít nhất 1 -2 container nên nhà nhập khẩu Bulgari quay sang nhập lại từ châu Âu, giá cả tuy có đắt hơn nhưng có thể nhập theo số lượng tùy thích và thời gian vận chuyển nhanh.

Do vậy, đại diện Thương vụ tại Bulgaria cho rằng, nếu coi Bulgaria là thị trường nhỏ để tìm kiếm cơ hội sẽ có rất nhiều tiềm năng nếu kết hợp cùng lúc nhiều đơn hàng, nhóm hàng bằng 1 lần vận chuyển trong bối cảnh chi phí logistic tăng cao.

“Việc này cần sự kết hợp, chủ động của các Hiệp hội, doanh nghiệp sang xúc tiến, chào hàng và làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối để đánh giá khả năng đáp ứng tại Bungari. Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria luôn sẵn sàng hỗ trợ trong các bước đi trước như tìm kiếm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình làm việc phù hợp…”, ông Phạm Tuấn Huy khẳng định./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-thieu-don-hang-dong-loat-kien-nghi-ho-tro-co-che-post974310.vov

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích