Doanh nghiệp thép chưa thôi hưởng lợi trong đại dịch

 

Doanh nghiệp thép chưa thôi hưởng lợi trong đại dịch

Doanh nghiệp thép chưa thôi hưởng lợi trong đại dịch

Ngành thép chưa thôi hưởng lợi trong mùa dịch

Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7 đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt 2.398.028 tấn, giảm 6,48% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.101.200 tấn, ngang mức tháng 6/2021, nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 658.207 tấn, tăng 5,96% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ 2020.

Lũy kế sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép 7 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt mức tăng 33,5% và 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ một phần kết quả sản xuất kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021 nên đây vẫn là một mức tăng khá.

VSA cho biết trong 7 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt hơn 18,3 triệu tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 16,1 triệu tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu thép các loại đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 78,9% với cùng kỳ năm 2020.

Về giá thép, sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 5 thì giá thép đã hạ nhiệt trong tháng 6 và 7. Cụ thể, từ ngày 21/6, Hòa Phát giảm giá thép cuộn 600.000 đồng/tấn và giảm giá thép thanh 200.000 đồng/tấn. Từ ngày 1/7, giá thép cuộn và thép thanh cùng giảm 300.000 đồng/tấn.

Trong tháng 7, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới. Giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 16.200-16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp.

Nhờ sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong những tháng đầu năm 2021 tăng khá, các doanh nghiệp ngành thép cũng lần lượt báo lãi lớn, kết quả kinh doanh khả quan.

Trong đó, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Doanh nghiệp này cho biết tháng 7/2021, sản lượng sản xuất thép thô đạt 700.000 tấn, tăng 70% so với cùng kỳ và cao hơn tháng trước đó. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 600.000 tấn. Trong đó, thép xây dựng đạt 363.000 tấn, tăng 58% so với tháng 6 và 21% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng là 160.000 tấn, còn lại là ống thép và tôn mạ.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất gần 4,8 triệu tấn thép thô, tăng 58% so với cùng kỳ 2020. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 4,9 triệu tấn, tăng 50%. Trong đó, thép xây dựng là 2,2 triệu tấn, tăng 22%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 1,5 triệu tấn.

Trước đó, quý II/2021 cũng ghi nhận kinh doanh cao kỷ lục của Tập đoàn Hòa phát với doanh thu thuần đạt 35.118 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với cùng kỳ 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 9.745 tỷ đồng, tăng 253%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long báo cáo doanh thu gần 66.900 tỷ, tăng 67% và đạt 56% mục tiêu cả năm. Lãi sau thuế đạt 16.751 tỷ đồng, tăng 231% và đạt 93% kế hoạch năm. Trong số các doanh nghiệp niêm yết, Hòa Phát đứng thứ 2 về lợi nhuận quý II và dẫn đầu về lợi nhuận 6 tháng năm 2021.

Cùng với Hòa Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) là doanh nghiệp thép tiếp theo có lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng trong quý II/2021 (tức quý III theo niên độ của Hoa Sen).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2020-2021, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng 90%. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục với 1.702 tỷ đồng, tăng 435%. Tiêu thụ sản phẩm thép đạt 615.000 tấn, tăng 56%.

Sang tháng 7, Hoa Sen tiếp tục ghi nhận mức doanh thu khá cao, ước đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ước đạt 302 tỷ đồng, giảm 46%. 

Quý II/2021 cũng là quý ghi nhận tăng trưởng vượt bậc của Công ty Cổ phần thép Nam Kim (HoSE: NKG). Tuy có phần khiêm tốn hơn Hòa Phát và Hoa Sen về giá trị tuyệt đối nhưng Nam Kim lại dẫn đầu ngành thép về tốc độ tăng.

Theo báo cáo kinh doanh, doanh thu thuần quý II của Nam Kim đạt 7.010 tỷ đồng, tăng trưởng 203% so với cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của Nam Kim có mức tăng trưởng lên gần 4.800% so với cùng kỳ, đạt 848 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Nam Kim đạt mức 11.862 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ở mức hơn 1.880%, đạt 1.166 tỷ đồng.

Tin vào ‘thiên thời’

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam. Việc dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam sẽ là thách thức lớn cho ngành thép trong những tháng cuối năm 2021.

Từ giữa tháng 7 đến nay, hàng chục tỉnh, thành trên cả nước đã phải giãn cách theo Chỉ thị 16 để chống dịch Covid-19, các dự án xây dựng dân dụng đã phải tạm dừng hoặc hoãn lại. Chỉ những dự án đầu tư công cấp thiết và quan trọng là được phép tiếp tục triển khai và phải đảm bảo phòng dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, việc Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm 2021 kỳ vọng sẽ mở ra những “nút thắt” trong hoạt động đầu tư xây dựng nói chung và cho lĩnh vực bất động sản nói riêng. Với những điều kiện thuận lợi này, sẽ có thêm nhiều dự án mới được triển khai. Đây cũng là cơ hội cho ngành thép bứt phá để có một bức tranh khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Do đó, ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1082/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/6/2021.

Ngoài ra, thống kê theo các quý từ năm 2019 đến nay cho thấy, doanh nghiệp đã tăng tích trữ hàng tồn kho để tận dụng “thiên thời”. Số liệu cuối tháng 6/2021 càng thể hiện rõ việc nhiều doanh nghiệp thép lớn đang đặt cược lớn vào triển vọng ngành trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này đến cuối quý II/2021 đạt hơn 39.803 tỷ đồng, tăng 51,4% so với đầu năm và cao gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Đứng sau Hòa Phát là Tập đoàn Hòa Sen với giá trị tồn kho hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm và 79,7% so với cùng kỳ.

Thép Nam Kim cũng là doanh nghiệp có động thái tăng tích trữ hàng tồn kho, khi cuối quý II/2021, giá trị hàng tồn khi ghi nhận ở mức xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với đầu năm và gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, còn có Công ty Cổ Phần thép Pomina (HoSE: POM) và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại SMC (HoSE: SMC). Trong đó, giá trị hàng tồn kho ghi nhận ở cuối quý II của Pomina ở mức 3.909 tỷ đồng, tăng 73% so với đầu năm. Còn SMC ghi nhận ở mức 4.081 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với đầu năm.

Giá trị hàng tồn kho trong 1 năm qua của một số doanh nghiệp thép lớn

Chính phủ muốn giá thép ‘hài hòa’ hơn, doanh nghiệp thép muốn bảo hộ

Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.

Việc giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Do đó, để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và mức thuế nhập khẩu MFN của một số loại sắt thép.

Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng, đã đệ đơn “kêu cứu” đến Chính phủ vì giá thép tăng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các chủ thầu xây dựng.

Tuy nhiên, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng nguyên nhân tăng giá do thị trường nguyên liệu thế giới biến động nhưng không phải do tác động của chính sách thuế xuất nhập khẩu cũng như các chính sách phòng vệ thương mại được áp dụng đối với các sản phẩm thép.

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới ngay cả tại các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản…để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thép trong nước, là các mặt hàng đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần, sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa đến hoạt động sả xuất của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn”, VSA chia sẻ.

Đặc biệt với các FTA Việt Nam đã, đang và sẽ ký với các quốc gia và khu vực đã là một thách thức đối với ngành thép Việt Nam, đặc biệt với các khối như CPTPP, RCEP là những khu vực có các quốc gia, cường quốc sản xuất thép lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản… Việc điều chỉnh thuế như dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính sẽ làm gia tăng khó khăn cho các nhà sản xuất thép trong nước.

Hơn nữa, đại diện ngành thép cho rằng chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất nhập khẩu thép là những chính sách dài hạn góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước trong đó có ngành thép phát triển chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý các hiện tượng tăng giảm của thị trường nhất thời.

Do đó, quan điểm của VSA là Chính phủ cần có chính sách nhất quán để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích