Doanh nghiệp Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng

Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa

Giám đốc KH&CN tỉnh Thanh Hóa ông Trần Duy Bình cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định KH&CN là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Với sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh, mang lại những hiệu quả tích cực.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 21.000 doanh nghiệp, trong đó có 31 doanh nghiệp và 1 chi nhánh doanh nghiệp KH&CN, xếp thứ ba cả nước về số lượng, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp KH&CN tại Thanh Hóa hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại dịch vụ và công nghệ thông tin.

Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (xã Hà Long, huyện Hà Trung) là một trong những đơn vị đi đầu trong nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa. Công ty đã phát triển thành công các giống lúa đặc trưng của địa phương như nếp hạt cau Tiên Sơn và nếp cái hoa vàng Gia Miêu tiến vua, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất từ khâu sấy, bảo quản đến chế biến và đóng gói đã tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao.

Công ty còn liên kết với các nhà khoa học để bảo tồn và phục tráng các giống lúa quý, đồng thời phát triển các giống lúa khác đạt tiêu chuẩn VietGAP như ST24, ST25, Bắc thơm. Sự đầu tư này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Công ty CP Thiết bị Giáo dục Hồng Đức cũng đã thành công trong việc áp dụng KH&CN vào sản xuất với nhiều máy móc hiện đại như máy cắt CNC, máy dán cạnh tự động và rô-bốt hàn. Đồng thời, công ty triển khai phần mềm ERP để quản lý toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh, từ khâu nhận đơn hàng đến giao hàng. Nhờ sự ứng dụng KH&CN, năng suất của công ty tăng đáng kể, doanh thu năm 2024 đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm trước.

Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn chuyên sản xuất gia công may mặc cũng không ngừng đầu tư vào công nghệ cao, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Với ba nhà máy tại Yên Định, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn, Tiên Sơn hiện đang là đối tác chiến lược của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Công ty đã đầu tư hàng loạt thiết bị hiện đại như máy cắt, máy may tự động và máy trải vải. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu rủi ro sai sót do con người, đảm bảo đáp ứng yêu cầu cao của thị trường quốc tế.

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ứng dụng KH&CN, tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đang tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Mục tiêu của Thanh Hóa là trong giai đoạn 2021-2025, thành lập mới ít nhất 15.000 doanh nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khuyến khích tận dụng KH&CN để tăng cường liên kết, mở rộng sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích