Doanh nghiệp phân phối “rục rịch” chuẩn bị hàng hóa phục vụ mùa Tết
Tăng cường kết nối sản phẩm địa phương vào các thành phố lớn
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành Thị trường trong nước thường kỳ tháng 9 ngày 29/9, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, một trong những hoạt động quan trọng để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, cũng như kết nối cung cầu đưa hàng hóa địa phương vào Thủ đô, Sở đã có buổi làm việc kết nối sản phẩm của Tây Ninh vào thị trường Hà Nội, đồng thời chuẩn bị nội dung ký kết cho sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội đầu tháng 10/2023.
Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô; đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) và kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này.
Đặc biệt, Hà Nội còn triển khai Đề án tăng cường quản lý cửa hàng trái cây với mục đích cấp biển nhận diện cửa hàng theo yêu cầu của đề án chuyên doanh về trái cây.
Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Sở Công thương tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và thương mại; hỗ trợ tổ chức các hội chợ như: Hội chợ quà tặng thủ công mỹ nghệ, hội chợ ngành công nghiệp chủ lực 2023, tăng cường kết nối giao thương, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các cơ quan khác…
Tại Đà Nẵng, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung hàng hoá, Đà Nẵng cũng lên phương án bình ổn thị trường. Trong đó, Đà Nẵng không chỉ bình ổn mặt hàng thịt heo như mọi năm mà còn có phương án bình ổn thêm nhiều loại hàng hoá khác.
Tại TPHCM, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong quý III/2023, Sở đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá. Thời gian tới, Sở Công Thương TPHCM sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia chương trình này. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để bảo đảm nguồn cung hàng hoá cho cuối năm.
Nguồn cung xăng dầu ổn định
Đối với mặt hàng xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay: Nguồn cung xăng dầu thế giới đang ổn định, dồi dào, tất cả thương nhân đầu mối nhập khẩu đều không khó khăn trong tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu.
Thêm vào đó, việc bảo dưỡng Nhà amáy Lọc dầu Nghi Sơn khả năng hoàn thành sớm. Dự kiến, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp xăng dầu thành phẩm từ ngày 7-10/10 thay vì kế hoạch đến ngày 15/10 mới cung cấp trở lại trước đây.
Đại diện Petrolimex cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm nguồn cung xăng dầu ổn định, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đang ở mức khá cao (trên 7.000 tỷ đồng) do đó sẽ sẵn sàng can thiệp vào giá xăng dầu trong điều kiện cần thiết.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 9 tháng qua, thị trường trong nước ổn định, nguồn cung các hàng hóa bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Giá gạo và thịt lợn tuy có tăng giảm đan xen nhưng vẫn ở mức hợp lý.
Riêng mặt hàng gạo giá tăng do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt lợn tăng giảm đan xem theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.
“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ đều chậm, lạm phát tại nhiều nước vẫn tăng cao, tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng bán lẻ khá tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong tầm kiểm soát”, đại diện Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 4.567.835 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 11,5-47,7%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.
Theo Thương Hiệu Và Công Luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu