Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa kinh doanh

Đưa sản phẩm lên môi trường số

Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận thức chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ lạc hậu và sẽ không thể cạnh tranh, bắt kịp được với sự phát triển của thị trường.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa kinh doanh
Doanh nghiệp Hà Nội thích ứng nhanh với chuyển đổi số để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. (ảnh: Đỗ Đạt)

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam (Thanh Xuân, Hà Nội), doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống cho biết, bên cạnh việc đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn chung… thì để sản phẩm đến gần hơn với thị trường, với các hệ thống phân phối hiện đại, cùng với việc đẩy mạnh việc tham gia các chương trình kết nối giao thương, ứng dụng internet, ứng dụng khoa học công nghệ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số được Công ty hết sức quan tâm và hiện nay mang lại doanh thu khá ổn định.

Cũng nhắc tới việc áp dụng chuyển đổi số, ông Nguyễn Minh Công, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, gia đình ông chuyên sản xuất nội thất giường, tủ, bàn ghế… Sản phẩm khó vận chuyển, nên khi quảng bá tại các hội chợ rất khó khăn. Do vậy, gia đình ông đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bán hàng.

Theo ông Nguyễn Minh Công, thông qua mạng internet, cơ sở đã cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu gỗ, kiểu dáng, kích cỡ… với khách hàng, kết hợp giao hàng tận nơi. Nhờ đó, giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán.

Thực tiễn cho thấy, ngoài các hộ kinh doanh, việc thành phố Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các start up, các doanh nghiệp công nghệ. Các doanh nhân trẻ có thể tận dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận vốn đầu tư, tìm kiếm đối tác và xây dựng mạng lưới kinh doanh.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn

Hạ tầng công nghệ đã có, chính sách khuyến khích chuyển đổi số trong các doanh nghiệp cũng đã được các cấp, ngành triển khai nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp chuyển đổi và phát triển, tuy nhiên, điều khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng đó là vấn đề an ninh và công tác đào tạo, tập huấn sao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng thích nghi, tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số, là câu chuyện được nhiều chuyên gia nhắc đến nhắc đến.

Để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội có thể tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các doanh nhân trẻ cần bảo đảm rằng họ có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Việc đào tạo và học tiếp liên quan đến công nghệ và kỹ năng kỹ thuật sẽ trở nên cực kỳ quan trọng… Ngoài ra, đa số các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ có nguồn vốn hạn chế và không dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ để triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới. Vì thế, Nhà nước cần có những chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, khi đó công tác chuyển đổi số mới hoàn thiện.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa kinh doanh
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Cũng đề cập đến những khó khăn và giải pháp để doanh nghiệp Hà Nội nắm bắt cơ hội chuyển đổi số ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế số, Hà Nội cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, bảo hiểm, y tế, giáo dục, doanh nghiệp…

Hà Nội cũng cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học – công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế. Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế…

Được biết, nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Hà Nội đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.

Theo đó, thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn cung cấp các nền tảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số…

Đến năm 2025, Thành phố hỗ trợ xây dựng, hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số để hỗ trợ toàn diện, sâu rộng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số…

Có thể thấy, chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số và để tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần không ngừng thay đổi và sáng tạo; sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích