Doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường hợp tác đầu tư công nghệ vào Hà Nội
Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản bắt đầu từ những năm 2000, khi ngành phần mềm và dịch vụ CNTT mới được hình thành. 10 Năm đầu (2003- 2013) là sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản để chuẩn bị, đào tạo cho các đối tác, các doanh nghiệp Việt Nam từ kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn, đến nhân lực, văn hóa kinh doanh. 10 năm tiếp theo (2013 – 2023) là sự phát triển bùng nổ. Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai và được ưu tiên lựa chọn bởi các đối tác Nhật Bản. Các doanh nghiệp CNTT cũng phát triển mạnh về cả chất lẫn lượng. Hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như Rikkeisoft, Luvina, CMC Global, Fujinet, VMO, VTI,…với tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhật Bản lên tới gần 500 doanh nghiệp.
Từ chỗ chỉ tham gia công đoạn đơn giản như viết phần mềm (code), thử nghiệm sản phẩm (test), tới nay các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nghiên cứu, thiết kế, triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR/XR)… Doanh nghiệp hai nước đang tìm kiếm đối tác có năng lực để hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đã có 38 dự án mới với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD. Một số dự án lớn tại Hà Nội được đánh giá rất cao và hiệu quả như Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, 2 dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một số dự án khác tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai…
Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Hà Nội hiện nay với 34 dự án và tổng vốn cam kết hơn 2.981 triệu USD, trong đó có 27 dự án viện trợ không hoàn lại.
Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio mong muốn TP Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện, phối hợp đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn trên địa bàn như: Dự án Đô thị thông minh phía Bắc Hà Nội, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Dự án Đại học Việt – Nhật…
Theo ông Lê Quang Lương, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Công nghệ Thông tin Việt Nam Nhật Bản nhận định thời gian tới, doanh nghiệp 2 nước sẽ tập trung vào các dự án chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực. Các lĩnh vực hợp tác dự kiến sẽ phát triển nhanh và mạnh gồm sản xuất công nghiệp, công nghiệp ôtô, tài chính bảo hiểm, an toàn thông tin và công nghiệp bán dẫn.
Với sự tăng cường đầu tư hợp tác từ Nhật Bản vào Hà Nội các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ có nhiều cơ hội chuyển đổi số hơn. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, trong năm 2022 – giai đoạn đất nước thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID-19, có đến 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để chuyển đổi số chỉ chiếm 40%. Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp thủ đô đều quan tâm đến chuyển đổi số nhưng mức quan tâm và tỉ lệ thực hiện chuyển đổi không đồng đều.
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại tại quận Bắc Từ Liêm cho rằng chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao so với các chi phí khác mà doanh nghiệp đang phải chịu.
“Ngoài phí triển khai chuyển đổi số, doanh nghiệp tôi còn phải đều đặn trả chi phí đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới, đó là còn chưa kể đến các khoản tiền khác như: chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí bảo vệ an ninh – an toàn dữ liệu,… Tuy nhiên, các chi phí cố định này cũng không đáng sợ bằng việc trang bị đầu tư có thể lên đến hàng tỷ đồng mà không thấy rõ kết quả, lợi ích của chuyển đổi số”, vị đại diện này nói.
Ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Linh, đang vận hành hai xưởng may với quy mô 250 lao động tại quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm may mặc, việc chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang khá băn khoăn về tiến trình này bởi những hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cũng đang là rào cản rất lớn. Dù công ty đã có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ các đơn vị cung cấp bên ngoài với chi phí rất đắt đỏ. Sự hợp tác này được xem là động lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sau đó lan rộng ra toàn Thủ đô.
Duy Trinh