Doanh nghiệp ngành nào hưởng lợi từ đẩy nhanh đầu tư công?
Các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Một nhà thầu thi công đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Đầu tư công nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhóm ngành. Thực tế, đầu tư công vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích nền kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực trong dài hạn.
Kỳ vọng đẩy nhanh đầu tư công
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm đạt 285.400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm. Tuy tốc độ giải ngân hiện vẫn còn hạn chế, nhưng đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công thường thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là trong quý 4.
Thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.
Hơn nữa, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, vì vậy thực tế đầu năm nay chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng.
Với việc Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài gần 724 km, rút ngắn 50% thời gian chuẩn bị đầu tư dự án so với trước đây, chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án. Cùng đó, toàn bộ các hạng mục hạ tầng khu bay dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công đồng bộ trong tháng 12/2022, đồng thời tiếp tục hoàn thành các dự án cao tốc giai đoạn 1 sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp khai thác đá tại khu vực lân cận.
Hơn nữa, để đốc thúc việc giải ngân đầu tư công cho giai đoạn cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, 3 công điện và chỉ đạo 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được giao trong năm 2022.
Do đó, KBSV kỳ vọng từ cuối năm 2022, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và có kết quả rõ nét hơn, có thể đạt 90-95% kế hoạch, tương ứng với giải ngân hơn 200.000 tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm.
Tuy đặt nhiều kỳ vọng, nhưng KBSV cũng chỉ ra tủi ro tiến độ thực hiện không được như mong đợi có thể đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan như tiến độ thi công chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao hay các khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.
Ngành nào hưởng lợi?
Các nhóm ngành được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công bao gồm nhóm hưởng lợi trực tiếp như vật liệu xây dựng, thi công và nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Cụ thể, đầu tư công là động lực phục hồi sản lượng tiêu thụ thép. Nhóm thép là nhóm được hưởng lợi nếu các dự án hạ tầng xây dựng được đẩy mạnh. Nhóm đá xây dựng sẽ có có lợi ích sát sườn, nhất là các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần các dự án trọng điểm có trữ lượng lớn tại Đồng Nai và Long Thành như cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân như Công ty cổ phần Hóa An (mã chứng khoán: DHA) và Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã chứng khoán: VLB).
Bốc xếp ximăng. (Nguồn: TTXVN) |
Nhóm ximăng hưởng lợi nhưng không quá hấp dẫn. Đối với ngành ximăng, Công ty cổ phần ximăng VICEM Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) và Công ty cổ phần ximăng Bỉm Sơn (mã chứng khoán: BCC) là 2 doanh nghiệp được quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải là nhóm quá hấp dẫn do nguồn cung trong nước đang cao hơn nhu cầu khi tiêu thụ nội địa hàng năm chỉ khoảng 60 triệu tấn/năm, trong khi nguồn cung hiện tại khoảng 110 triệu tấn và đến năm 2023 có thể lên 118 triệu tấn nhờ nhiều dự án nhà máy ximăng mới đi vào hoạt động như Xuân Thành 3 (4,5 triệu tấn/năm), Long Thành (2,3 triệu tấn/năm), Đại Dương 1 (2 triệu tấn/năm); trong khi giá nguyên liệu chính như than chiếm 30-35% giá thành vẫn cao và giá bán không bù đắp được cho đà tăng của giá đầu vào và triển vọng xuất khẩu kém khả quan, đặc biệt tại thị trường chính là Trung Quốc.
Ngoài ra, nhóm ximăng còn gặp rủi ro về chính sách khi thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% từ đầu 2023, nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Tuy nhiên, nếu các yếu tố trên được cải thiện và cổ phiếu điều chỉnh về vùng hấp dẫn hơn sẽ tạo ra cơ hội đối với nhóm này.
Nhóm ống nhựa hưởng lợi từ đầu tư công và giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhưng có sự cạnh tranh về tỷ lệ chiết khấu cao. Cụ thể, nhóm ống nhựa có triển vọng kinh doanh sáng sủa hơn nhờ kỳ vọng sản lượng tăng và biên lợi nhuận mở rộng do giá nhựa PVC – nguyên liệu đầu vào giảm mạnh về gần mức trước dịch trong khi các doanh nghiệp đã tăng giá bán từ cuối năm 2021.
Các doanh nghiệp ngành ống nhựa thường cạnh tranh qua chiết khấu bán hàng, khi đây là ngành có rào cản gia nhập thấp và công suất hoạt động của các doanh nghiệp hiện vẫn thấp chỉ khoảng 50-70% công suất, trong khi không xuất khẩu do đặc tính sản phẩm.
Có thể kể đến hai doanh nghiệp thị phần lớn nhất là Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP) tại phía bắc và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) tại phía nam. Xét về yếu tố hưởng lợi KBSV cho rằng, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh có lợi thế nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ và hoạt động tại vùng kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh đầu tư công. Dù vậy, theo KBSV, giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh một phần tiềm năng trên.
Mảng nhựa đường cũng được kỳ vọng hưởng lợi, tuy nhiên không có nhiều doanh nghiệp trên sàn và mảng nhựa đường sẽ chỉ thực sự được hưởng lợi ở giai đoạn cuối của những dự án khi hoàn thiện mặt đường.
Cổ phiếu có thể theo dõi là Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex-Công ty cổ phần (mã chứng khoán: PLC) – doanh nghiệp chiếm 25-30% thị phần nhựa đường Việt Nam với có công suất sản xuất lớn hơn nhiều so với các đối thủ (khoảng 350.000 tấn/năm), hệ thống 7 nhà máy phủ sóng toàn quốc, nhiều kho chứa và có hệ thống phân phối qua các cửa hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX).
Cơ hội đối với các doanh nghiệp trúng thầu các dự hạ tầng nhưng cần cân nhắc kỹ về khả năng sinh lời của các dự án cũng như cơ cấu tài chính và hiệu quả quản trị.
Nhóm hạ tầng có các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV), Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã chứng khoán: C4G), Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VCG) trúng thầu thi công dự án đầu tư công.
Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 có vị thế trong lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông tại Việt Nam với các dự án quy mô lớn như cao tốc Bắc-Nam (Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 (2.498 tỷ đồng), Cầu Vĩnh Tuy 2 (1.255 tỷ đồng), Cao tốc Vĩnh Hào-Phan Thiết (3.225 tỷ đồng), Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây (2.299 tỷ đồng), đường lăn sân bay giúp Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 có thể tiếp tục giành được các gói thầu mới trong giai đoạn 2022-2025.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, doanh nghiệp này có 4 dự án mới đang thực hiện đấu thầu và đầu tư là Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Hữu Nghị-Chi Lăng, Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Tân Phú-Hòa Lộc. Đây là 4 dự án lớn và được thực hiện theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới, nhà nước sẽ góp tối đa 50% tổng mức đầu tư, đây là tín hiệu khá tích cực do trước đây áp lực vay nợ lên các doanh nghiệp làm BOT (Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) rất lớn.
Sản phẩm thép xây dựng tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương cung ứng ra thị trường. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Tuy nhiên, với các dự án này, chỉ có Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang trong quá trình vay vốn và khởi công xây dựng, 3 dự án còn lại đang trong giai đoạn làm hồ sơ, cũng như nghiên cứu khả thi và thời gian thi công 1 dự án BOT khá dài (xấp xỉ 30 tháng) nên các dự án của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả sẽ có doanh thu dự kiến bắt đầu từ 2024 trở đi. Dù vậy, nhóm phân tích từ KBSV cho rằng cần đặc biệt cân nhắc kỹ về khả năng sinh lời của các dự án, cũng như cơ cấu tài chính và hiệu quả quản trị của doanh nghiệp khi đầu tư vào nhóm này.
Nhóm giao thông thông minh cũng được hưởng lợi nhờ dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 và 2; trong đó Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (mã chứng khoán: ITD) và Công ty cổ phần công nghệ-viễn thông ELCOM (mã chứng khoán: ELC) là 2 doanh nghiệp lớn nhất về thị phần mảng giao thông thông minh.
Ngoài ra, nhóm xây lắp điện cũng sẽ được hưởng lợi khi thực hiện các dự án hạ tầng; trong đó, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE) được cho là có nhiều khả năng trúng gói thầu dự án sân bay Long Thành do đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án sân bay trước như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp sở hữu quỹ đất nằm gần các dự án trọng điểm và nhóm logistics cũng nhiều khả năng được hưởng lợi gián tiếp, nhưng còn phụ thuộc vào việc triển khai các dự án và tiến độ bán hàng./.
Nguồn: Báo xây dựng