Doanh nghiệp nắm bắt xu hướng ‘chuyển đổi kép’ để phát triển bền vững
Trên thế giới, thuật ngữ “chuyển đổi kép” do Liên minh châu Âu đưa ra, đề cập đến hai xu hướng chính định hình tương lai là “chuyển đổi xanh” và “chuyển đổi số”. Hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau.
Tại Việt Nam, những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất rõ ràng với những quyết tâm mạnh mẽ. Cụ thể, Đại hội XIII của Đảng xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045.
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Mục tiêu đặt ra là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số – Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero; thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực – ảo).
Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu; Áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu Net-zero bởi bản chất chuyển đổi số là tạo ra 03 xu hướng chính là phi vật chất hóa, phi trung gian hóa, phi tập trung hóa.
Cũng theo ông Trần Minh Tuấn, phát triển kinh tế số mang đến nhiều cơ hội như: Kinh tế số tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP. Kinh tế số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.
Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ, do hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu, sinh ra nhiều rác thải điện tử, nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Do đó, quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có chia sẻ rằng, chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Công nghệ số giúp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn, tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh, giảm phát thải ra môi trường, nên cuộc chuyển đổi kép là bạn đồng hành của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để phát triển bền vững.
Thanh Tùng