Doanh nghiệp mở lại loạt văn phòng, kỳ vọng thị trường bất động sản tốt dần lên

Đón đầu sự phục hồi của thị trường bất động sản, doanh nghiệp mở lại loạt văn phòng tại các địa phương, phát triển phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực… Tất cả đều kỳ vọng, năm 2024 thị trường tốt dần lên.

Năm 2023 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho rằng, với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản được hoãn nợ, giãn nợ trái phiếu,… kịp thời, tránh được sự đổ vỡ.

Theo ông Quyết, quý III-IV/2023, lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay mua nhà cũng giảm xuống khoảng 8,5-9%. Đến cuối quý IV/2023 sang đầu quý I/2024, lãi suất cho vay tiếp tục giảm xuống khoảng 7,5-8%, giúp người mua có thể tiếp cận dễ dàng từ ngân hàng.

Từ đó, thị trường có tín hiệu khá tốt với những phân khúc bất động sản ở thực như chung cư tại Hà Nội và các tỉnh.

Dù một số phân khúc đầu tư vẫn còn khó khăn do tâm lý e dè, đợi giá giảm, đến cuối năm 2023, một số thị trường như Hà Nội giá đã không giảm, thậm chí có nơi giá còn tăng nhẹ ở các sản phẩm đất nền, biệt thự liền kề. Xu hướng có chiều hướng tốt hơn, nhưng thanh khoản vẫn yếu.

Doanh nghiệp mở lại loạt văn phòng, kỳ vọng thị trường bất động sản tốt dần lên
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng năm 2024 thị trường sẽ tốt hơn. (Ảnh: Hoàng Hà)

“Tháng 1/2024, Luật Đất đai chính thức được thông qua đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Họ rục rịch đi tìm hiểu lại các thị trường, phân khúc đầu tư, trong đó có cả đất nền. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 thị trường bất động sản sẽ tốt hơn, dù chưa có đột phá”, ông Quyết nói.

Để đón đầu sự phục hồi của thị trường, lãnh đạo Đất Xanh Miền Bắc hồ hởi: “Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã mở lại văn phòng tại các thị trường Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh,… những thị trường mà chúng tôi buộc phải đóng cửa hàng loạt vào đầu năm 2023. Dự đoán, một số thành phố công nghiệp phía Bắc năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái”.

Theo vị lãnh đạo này, phân khúc bất động sản ở thực đã “cứu cánh” cho các đơn vị phân phối, nhất là chung cư ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, hay Thái Nguyên, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Năm 2024, phân khúc chung cư ở Hà Nội và các tỉnh vẫn tốt. Cùng với đó, phân khúc đất nền sẽ bắt đầu quay trở lại, nhất là ở những thành phố phát triển công nghiệp.

“Các chính sách vừa qua khá sát với thực tế của doanh nghiệp, giúp thị trường bất động sản bình ổn và chiều hướng tốt lên. Tuy nhiên, để luật đi vào thực tế cần có các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể. Mong rằng, các văn bản hướng dẫn luật sẽ sớm được ban hành để đầu năm 2025, khi các luật có hiệu lực sẽ được thực hiện trơn tru luôn”, ông Quyết cho hay.

Kỳ vọng sang quý II năm nay, thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn trở lại, bà Lê Thu Hà, Chủ tịch HĐQT Hà An Group cho biết, theo kế hoạch, công ty vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm bất động sản vừa ở, vừa kinh doanh tại thị trường Quảng Ninh. Với chung cư, mức giá dao động trong khoảng 38-45 triệu đồng/m2; còn biệt thự dao động từ 100-150 triệu đồng/m2.

“Dự kiến quý III, IV/2024, chúng tôi sẽ tiếp tục ra hàng dự án shophouse mới, nhắm đến các khách hàng đầu tư, mức giá dao động trên dưới 10 tỷ đồng/căn. Quảng Ninh là thành phố có hạ tầng giao thông thuận lợi, thu hút khách du lịch… nên việc đầu tư bất động sản khá ổn. Đây cũng là lý do để công ty tập trung đầu tư phát triển dự án tại thị trường tỉnh này”, bà Hà chia sẻ.

Còn ông Phạm Minh Đức, Phó tổng giám đốc CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành – Meyland, cho rằng năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn nhưng sẽ là giai đoạn cuối của quá trình “đóng băng” bất động sản nhờ các chính sách vĩ mô và hệ thống pháp luật mới về bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Đức, mặc dù các chính sách pháp luật về bất động sản đã được kiện toàn nhưng quan trọng hơn là quá trình hành pháp, đặc biệt ở chính quyền địa phương.

Trong nhiều năm qua, chính bản thân nhiều doanh nghiêp chia sẻ rằng không phải vấn đề lãi suất, tháo gỡ về cơ chế chính sách mới là điều các doanh nghiệp bất động sản mong muốn nhất.

“Thực tế vòng đời các dự án bất động sản thường kéo dài qua nhiều thời kỳ thay đổi pháp luật. Đây là vướng mắc phổ biến khiến cho quá trình áp dụng luật, áp dụng các quy định chuyển tiếp trở nên nhạy cảm và là lý do chính khiến nhiều dự án bị kéo dài. Tôi hy vọng, trong năm 2024, Chính phủ, bộ ngành sẽ sớm ban hành các nghị định, thông tư nhằm tháo gỡ triệt để các tồn tại vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Asian Holding, nói rằng một số chuyên gia dự đoán 2024 vẫn là năm khó khăn của bất động sản. Tuy nhiên, các luật quan trọng với bất động sản đã được thông qua sẽ có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm mới, ông Hậu cho hay công ty sẽ tiếp tục M&A dự án ở khu vực Đồng Nai, Bình Phước. Cùng với đó, đơn vị cũng sẽ tập trung phát triển thị phần ở TP.HCM.

“Khi thị trường bất động sản hồi phục, phân khúc nhà ở thực sẽ lên ngôi. Đón đầu xu thế này, chúng tôi đang tìm các nhà đầu tư để phát triển dự án căn hộ tại thị trường TP.HCM”, ông Hậu tiết lộ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích