Doanh nghiệp kêu cứu vì những quyết định bất thường của UBND tỉnh Yên Bái

Từ ưu đãi rồi bị ngược đãi?

Chiều ngày 9/5/2023, tại buổi làm việc với Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam, Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ đã không kìm được cảm xúc, nỗi buồn phiền về cách làm của UBND tỉnh Yên Bái. Ông cho biết: “ngày 29/04/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ nhận được Quyết định số 634/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư số 133/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 đối với dự án đầu tư khu đô thị mới tại xã Tân Thịnh, phường Đồng Tâm, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái của Công  ty Cổ phần Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ. Đây là quyết định hết sức phi lý, gây bất ổn kinh tế cho Tập đoàn, làm xấu đi niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Yên Bái”.

Ngay tại Điều 1 của Quyết định, thì lý do mà UBND tỉnh đưa ra là: “Việc ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 133/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”. Bất cứ ai đọc Quyết định này cũng thấy kỳ quặc, bởi mọi khâu hoàn thiện thủ tục pháp lý, hoàn thiện dự án, nhà đầu tư đều làm theo hướng dẫn của các sở, ngành của tỉnh. Quyết định chủ trương đầu tư đã được ban hành, bao gồm khâu thẩm định đồ án đã được thông qua.

Trở lại câu chuyện về những lời mời gọi về Yên Bái đầu tư, Anh hùng Lao động Đoàn Xuân Tiếp cho biết:

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Yên Bái với Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ, từ tháng 7/2016, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái đã có chương trình thăm và làm việc với một số điểm chi nhánh của Tập đoàn tại 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh. Tham gia đoàn công tác của tỉnh có các đồng chí: Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Ngô Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Đoàn công tác tỉnh Yên Bái rất quan tâm đến hiệu quả công tác an sinh xã hội mà Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ hướng tới. 

Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ là một doanh nghiệp xã hội với 7 doanh nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An… nhận được sự mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã rất tích cực tham gia nghiên cứu các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy cho sự phát triển chung về kinh tế, văn hóa của tỉnh Yên Bái, tháng 8/2016 chúng tôi đã được UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định chủ trương đầu tư số 1697/QĐ-UBND ngày 13/8/2016, về việc thực hiện dự án đầu tư Trung tâm giới thiệu sản phẩm du lịch và xúc tiến thương mại Chân – Thiện – Mỹ. Dự án đang được doanh nghiệp tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ (đã đền bù giải phóng mặt bằng được một số hộ gia đình) và chuẩn bị khởi công xây dựng, thì UBND tỉnh đã yêu cầu chúng tôi dừng lại và cấp cho Công ty Tôn Hoa Sen. Mặc dù, đã mất rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận dừng triển khai và trả lại dự án theo yêu cầu của tỉnh. Việc không được triển khai tiếp dự án này đã gây rất nhiều thiệt hại về kinh tế cho Tập đoàn chúng tôi.

Sau khi phải trả lại dự án trên, chúng tôi xét thấy không thể tiếp tục đầu tư ở tỉnh Yên Bái được nữa, nên chúng tôi đã xin dừng đầu tư và yêu cầu tỉnh Yên Bái thanh toán cho chúng tôi những khoản chi phí đã bỏ ra để làm dự án. Song tỉnh Yên Bái nói rằng, không có kinh phí để trả lại và sẽ đền bù cho chúng tôi bằng một dự án khác. Đồng thời, đăng ký xuống tập đoàn chúng tôi để thăm quan, làm việc và đàm phán.

Ngày 17/7/2017, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và lãnh đạo một số sở, ban, ngành đã xuống Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để xin lỗi chúng tôi và vận động chúng tôi tiếp tục đầu tư vào Yên Bái.

Khi UBND tỉnh Yên Bái cấp cho chúng tôi dự án mới, chúng tôi tiếp tục đầu tư và lấy tên là “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Golden House”, chúng tôi đã được UBND tỉnh ra Quyết định chủ trương đầu tư số 133/QĐ-UBND ngày 20/01/2017. Ngay sau khi nhận được Quyết định chủ trương đầu tư, chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực về tài chính, nhân sự để tích cực triển khai dự án mới nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp nói riêng và thúc đẩy sự phát triển cho tỉnh Yên Bái nói chung. Tuy nhiên, một lần nữa UBND tỉnh Yên Bái lại có đề nghị doanh nghiệp tạm dừng thực hiện dự án do chủ trương, chính sách thay đổi. Việc phải tạm dừng thực hiện dự án một lần nữa đã gây rất nhiều khó khăn, thiệt hại nặng nề về tài chính cho Tập đoàn. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, hợp tác và chia sẻ, thời gian vừa qua chúng tôi đã chấp nhận thiệt hại, tạm dừng thực hiện dự án theo yêu cầu và rất tích cực đồng hành cùng các cơ quan, ban, ngành của UBND tỉnh để có phương án xử lý, giải quyết hài hòa nhất.

Trong suốt quá trình hợp tác, đầu tư trên địa bàn tỉnh, chúng tôi luôn tích cực, cố gắng, chấp hành mọi chủ trương chính sách của UBND tỉnh; hết lòng hết sức, dốc hết tâm huyết, khắc phục mọi khó khăn, tập trung mọi nguồn lực về tài chính, con người để triển khai thực hiện dự án một cách hiệu quả. Chỉ trong thời gian ngắn nhưng chúng tôi đã làm quy hoạch chi tiết 1/500; 1/2.000 và chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng, việc phải tạm dừng dở dang là một tổn thất rất lớn đối với doanh nghiệp.

Một Quyết định hành chính …

Theo các quy định của pháp luật thì trường hợp này, lỗi không thuộc về nhà đầu tư (Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ) mà là do trình tự thủ tục hướng dẫn cấp Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Yên Bái.

Việc UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 1697 ngày 13/8/2016 về việc thực hiện dự án đầu tư Trung tâm giới thiệu sản phẩm du lịch và xúc tiến thương mại Chân – Thiện – Mỹ rồi lại dừng lại, để cấp dự án đó cho Công ty Tôn Hoa Sen có đúng pháp luật ?

Tiếp đó, khi Tập đoàn Chân – Thiện – Mỹ chấp nhận lời xin lỗi của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, tiếp tục chuyển khai lại một dự án khác với bao tâm huyết, tiền của để nhận được Quyết định chủ trương đầu tư số 133 ngày 20/1/2017 với tên gọi “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Golden House” với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, mọi việc nhà đầu tư đang nỗ lực thì lại nhận được Quyết định số 634 ngày 27/4/2023 về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương số 133 của UBND tỉnh Yên Bái đối với dự án Golden House của Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thì những thông tin này liệu có làm sụt giảm giá cổ phiếu, gây đổ vỡ hệ thống kinh doanh của Tập đoàn, làm đình đốn hoạt động sản xuất không?

Quyết định số 634/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư số 133/QĐ-UBND ngày 20/1/2007 đối với “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Golden House” của Công ty Cổ phần tập đoàn kinh tế Chân – Thiện – Mỹ.

“Quyết định chủ trương đầu tư” là khởi đầu tiến trình pháp lý của một dự án có quỹ đất hỗn hợp, làm cơ sở cho mọi thủ tục hành chính tiếp theo như: Quyết định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án; Quyết định giao đất; Giấy phép xây dựng; Quyết định tiền sử dụng đất…

Việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư sẽ tác động đến tính pháp lý của các quyết định sau đó của dự án. Nhà đầu tư tại dự án này rất lo lắng và đề nghị được đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Nên chăng, đối với dự án cần rà soát về pháp lý, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo “tạm dừng” thực hiện Quyết định chủ trương đầu tư dự án và không nên ban hành “Quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư dự án” vì không hợp lý.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh tế Chân – Thiện – Mỹ là hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam. Tiền thân của công ty là Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc, được thành lập từ tháng 9 năm 1996 do đích thân Anh hùng Lao động Đoàn Văn Tiếp sáng lập với mục đích: dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho người khuyết tật và các đối tượng chính sách xã hội.

Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, công ty đã đào tạo miễn phí và bố trí việc làm ổn định cho trên 600 công nhân, trong đó tỉ lệ người khuyết tật chiếm trên 57%. Những ngành nghề truyền thống bao gồm: thêu ren, may mặc, trạm khắc đồ mỹ nghệ, sơn mài, gốm sứ, chế tác đá quý và đồ trang sức. Sản phẩm do những bàn tay khéo léo của người khuyết tật được du khách nhiều nước trên thế giới đánh giá cao. Với phương châm “Tất cả vì cuộc sống của người khuyết tật”, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ công ty đã nỗ lực phấn đấu không ngừng giúp cho người khuyết tật vượt qua mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng.

Theo TC Hoà Nhập

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích