Doanh nghiệp gốm sứ xây dựng lâm vào thế khó
Chi phí đầu vào tăng cao
Trong năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gốm sứ xây dựng tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu như xăng dầu, than.
Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao.
Mặt khác, việc Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại ưu tiên tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát tín dụng bất động sản đã dẫn đến sự đình trệ các dự án, công trình đang và chuẩn bị triển khai. Ngành gốm sứ xây dựng gắn liền với thị trường bất động sản đã bị ảnh hưởng.
Để đối phó với chi phí sản xuất tăng đột biến, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng đã tăng giá bán với tất cả các sản phẩm từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản suy yếu nên sản phẩm gốm sứ xây dựng vẫn ứ đọng, đẩy lượng tồn kho tăng cao.
Tồn kho 80 triệu m² gạch ốp lát
Bên cạnh việc giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng khiến doanh nghiệp ngành gốm sứ xây dựng phải gánh thêm nhiều chi phí, giờ đây họ còn phải đối mặt với lượng tồn kho lớn từ năm trước.
Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) cho biết hiện nay cả nước có 93 đơn vị sản xuất với tổng công suất toàn ngành gạch ốp lát đạt trên 800 triệu m². Trong đó, có 66 cơ sở sản xuất gạch ceramic với tổng công suất thiết kế là 608,6 triệu m²/năm; 22 cơ sở sản xuất gạch granite với tổng công suất thiết kế là 182 triệu m²/năm và 5 cơ sở sản xuất gạch cotto với tổng công suất thiết kế là 31 triệu m²/năm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 vừa qua, ngành gạch ốp lát gặp nhiều khó khăn, sản xuất chỉ đạt khoảng 50 – 55% tổng công suất lắp đặt.
Cụ thể, theo số liệu của VIBCA, sản lượng gạch ốp lát đạt khoảng 350 – 370 triệu m², trong đó gạch kích thước 50 x 50cm trở lên chiếm trên 50%. Gạch cotto và gạch lát đất sét nung đạt 28 – 30 triệu m². Với sản phẩm gạch cotto ceramic, sản lượng sản xuất của loại vật liệu này là 7,5 – 8 triệu m².
Tương tự, sản lượng sứ vệ sinh đạt 14 – 14,5 triệu sản phẩm, trong đó sản phẩm xí bệt chiếm 25 – 30% tổng sản lượng trong năm 2021. Sản phẩm ngói nung đất sét là 23 – 24 triệu m² và ngói nung ceramic đạt gần 11 triệu m².
Đáng nói, dù sản lượng gốm sứ xây dựng nói chung của cả nước chỉ đạt khoảng 50 – 55% so với công suất thiết kế nhưng lượng hàng tồn kho trong giai đoạn này không hề nhỏ.
Cụ thể, lượng tồn kho của mặt hàng gạch ốp lát khoảng 80 triệu m² sản phẩm, các mặt hàng gốm sứ khác cũng tồn kho khoảng 15 – 20%. Đây là áp lực của thị trường gốm sứ xây dựng trong năm 2022, bởi không tiêu thụ được lượng tồn kho này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của năm và sản phẩm càng để lâu thì càng tụt giá.
Hiện nay, tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ xây dựng tại thị trường nội địa là chủ yếu với khoảng 65 – 70%. Riêng đối với mặt hàng gạch ốp lát đã cung cấp ra thị trường khoảng 286 – 300 triệu m² trong năm vừa qua.
Với thị trường xuất khẩu, trong năm 2021, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm gạch ốp lát, ước đạt 527 triệu USD, tăng gần 10% so với năm 2020. Mức tăng này là tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của ngành gốm sứ xây dựng trong năm 2022.
Để tránh quá tải sản phẩm tồn kho, các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng cần điều tiết sản xuất ở mức phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, hướng tới sản xuất đa dạng sản phẩm về kích thước, mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh.
Đơn cử như Viglacera mới đây đã đầu tư dây chuyền sản xuất tấm porcelain khổ lớn bằng công nghệ Continua+ của Sacmi (Italia), với những sản phẩm đầu tiên sẽ ra mắt vào cuối năm 2022./.