Doanh nghiệp FDI ‘đua nhau’ báo lỗ
Năm 2021, có tới 55% số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lỗ, tăng 11% so với năm 2020. Dù tổng tài sản của doanh nghiệp FDI tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ các khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Hơn một nửa DN FDI đang hoạt động báo lỗ
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp FDI. Từ báo cáo của hơn 26.000 doanh nghiệp (DN), Bộ Tài chính đã khắc họa bức tranh tài chính của khối FDI với nhiều gam màu tối so với năm 2020.
Theo đó, năm 2021 tổng tài sản DN FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3%. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%.
Cty TNHH Longwell liên tiếp lỗ trong 2 năm gần đây Ảnh: PV; đồ họa: Quốc Anh |
“Dù quy mô tài sản tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tăng trưởng nguồn vốn của DN FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài. Chỉ tiêu sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, chưa được cải thiện.
Số nộp ngân sách của DN FDI chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Số DN FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Sản phẩm nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp”, Bộ Tài chính đánh giá.
Năm 2021, cả nước có hơn 14,2 nghìn DN báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ lên tới hơn 168 nghìn tỷ đồng. Số DN lỗ lũy kế hơn 16,2 nghìn DN, chiếm 62% tổng số DN FDI, tăng 8% so với năm trước. Có hơn 4,4 nghìn DN lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020.
Đặc biệt, một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ lớn như: Thông tin truyền thông (4,06 lần); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (3,85 lần); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (2,95 lần). Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (2,93 lần).
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến DN FDI thua lỗ. Với số lượng DN FDI thua lỗ lớn như trên, cơ quan chức năng cần tìm hiểu ngoài tác động khó khăn của nền kinh tế, liệu có hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế?
“Việt Nam thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi nhằm mục đích cùng chia sẻ lợi nhuận khi DN này hoạt động ở Việt Nam. Khi DN vào Việt Nam kinh doanh không có lợi nhuận, cần xem lại chính sách thu hút đầu tư và giải quyết gốc rễ vấn đề từ khâu thu hút ban đầu”, ông Long nói và cho biết, để phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế rất khó do phải tìm được bằng chứng.
Với DN FDI tăng vốn đầu tư nhưng báo lỗ, cơ quan chức năng như Bộ Tài chính cần kiểm tra kỹ để giải quyết tình trạng chuyển giá, trốn thuế.
“Dù quy mô tài sản tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
DN nghìn tỷ, nộp ngân sách vỏn vẹn 2 tỷ đồng/năm
Sau khi phác họa bức tranh chung về tình hình tài chính của DN FDI, Bộ Tài chính lựa chọn một số doanh nghiệp để phân tích chi tiết nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Với lĩnh vực vận tải kho bãi, Bộ Tài chính dẫn ví dụ kết quả tài chính của Cty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam với khoản lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng (đến cuối năm 2021), dẫn đến âm vốn chủ 4.500 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty không đảm bảo chi trả khoản nợ, tiềm ẩn rủi ro thanh toán ngắn hạn.
Là một trong những DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Cty TNHH Longwell tăng 1.072 tỷ đồng vốn điều lệ (tương đương tăng 32,9%) so với năm 2020. Năm 2021, công ty này tăng vốn điều lệ để đầu tư với chi phí vốn cao. Mặc dù doanh thu năm 2021 tăng tới 8 lần so với 2020 nhưng lỗ sau thuế tới 240 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách nhà nước của công ty này chỉ 2 tỷ đồng.
Góp mặt trong danh sách DN FDI liên tiếp thua lỗ, Cty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam lỗ do tập trung đầu tư vào hệ thống cửa hàng bán lẻ với quy mô lớn.
“Tỷ trọng DN lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn DN báo lãi và có tốc độ tăng cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn DN FDI chưa đạt hiệu quả, chưa phát huy được tiềm lực. Điều này cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính kiến nghị hàng loạt giải pháp với các bộ, ngành liên quan. Bộ Tài chính kiến nghị Bộ KH&ĐT triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án và địa bàn kinh tế xã hội phù hợp với quan điểm “chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường” theo Nghị quyết 50.
Bộ Công Thương cần chủ động thúc đẩy, phát triển cụm liên kết ngành, phát triển ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Bộ Công Thương tăng tỷ trọng ngành kinh tế, sản xuất nội địa hóa, công nghệ cao thay cho công nghiệp lắp ráp, gia công, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), bên cạnh những đóng góp tích cực, dự án FDI tồn tại nhiều hạn chế. Các cơ quan chức năng đã phát hiện những trường hợp DN FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam. Một số DN khác phớt lờ các quy định về môi trường pháp luật Việt Nam và kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
VCCI đang xây dựng bộ công cụ sàng lọc dự án FDI. Theo đó, bộ công cụ do VCCI đề xuất gồm: đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường; các tiêu chí khuyến khích DN tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.
Năm 2021, cả nước có hơn 14,2 nghìn DN báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ lên tới hơn 168 nghìn tỷ đồng. Số DN lỗ lũy kế hơn 16,2 nghìn DN, chiếm 62% tổng số DN FDI, tăng 8% so với năm trước. Có hơn 4,4 nghìn DN lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020. |
Nguồn: Báo xây dựng