Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Khát vọng Rồng bay
Hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa súng, hoa sen… những loài hoa đã gắn bó với dân gian, cũng gắn bó với người dân Hà Nội từ bao đời nay. Hoa nở rồi hoa tàn, đó cũng là lẽ tự nhiên, nhưng cũng để lại bao nuối tiếc. Bởi thế, anh Đinh Văn Tuấn, chủ cơ sở Hoa tươi bất tử 3T (huyện Mê Linh) đã quyết định kéo dài “vòng đời” cho hoa bằng cách làm vô cùng sáng tạo.
Theo anh Tuấn, để làm ra một sản phẩm “hoa bất tử” phải trải qua rất nhiều công đoạn, thời gian để xử lý một bông hoa tươi thành “hoa bất tử” mất khoảng hơn 20 ngày. Vào lúc hoa nở đẹp nhất được cắt về, sau đó sẽ được những người thợ chọn ra những “hoa hậu” trong số những bông hoa đẹp ấy để làm “hoa bất tử”.
Anh Đinh Văn Tuấn (giữa) giới thiệu sản phẩm hoa bất tử. |
“Trong quá trình làm “hoa bất tử”, công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ và khéo léo, song công đoạn đưa hoa vào bình rất quan trọng và phải cẩn thận hơn vì công đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo quản hoa. Với công đoạn này, tôi sử dụng công nghệ để hút hết không khí và hơi ẩm bên trong lọ hoa, không để không khí tiếp xúc với hoa. Các loại hoa sau khi xử lý cho vào bình có thể bảo quản lên tới thời gian là 20 năm”, anh Đinh Văn Tuấn chia sẻ.
Mê Linh là một trong những vùng đất trồng hoa nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng hoa thì ai cũng biết, không còn gì mới lạ. Điều lạ ở đây chính là có người đã “biến” những bông hoa chỉ có vòng đời từ 5-7 ngày trở thành những đóa hoa “bất tử” bằng cách làm sáng tạo của mình. Anh Tuấn cho biết, để phát triển kinh tế cũng như để tồn tại bền vững trong nền kinh tế nhiều biến động, doanh nghiệp luôn phải “chuyển mình” để tìm tòi cái mới, cái sáng tạo và phải thể hiện sức “bay” không mỏi của mình trên con đường phát triển.
Nếu như câu chuyện về hoa bất tử của anh Đinh Văn Tuấn cho thấy sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, thì câu chuyện về cốm của anh Nguyễn Khánh Toàn, chủ cơ sở Cốm Mộc Thủy ở ngay phố cổ Hà Nội lại cho thấy khả năng sáng tạo kỳ diệu trên nền tảng truyền thống.
Anh Nguyễn Khánh Toàn bên gánh Cốm Mộc Thủy. |
Cốm Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước, gây thương nhớ trong lòng bao người. Rồi qua bao năm tháng đắp đổi, cốm không chỉ là cốm gói trong chiếc lá sen xanh, mà bấy lâu nay, người Hà Nội đã sáng tạo cho mình những sản phẩm từ cốm, như bánh cốm, xôi cốm, chè cốm, kem cốm, chả cốm, bánh cốm,…
Và rồi, anh Nguyễn Khánh Toàn, một người con của Phố cổ đã khoác thêm một tấm áo mới cho cốm, đó là làm nên những sản phẩm cốm không chỉ thưởng thức vào mùa thu mà còn thưởng thức quanh năm.
“Cốm truyền thống gói trong lá sen thì tươi, mềm, ngon, ngọt, nhưng nếu để ra ngoài chỉ được vài giờ là cứng lại, ăn sẽ không ngon nữa. Huống chi, cốm chỉ có vào mùa thu, nghĩa là những mùa còn lại sẽ không được thưởng thức hương vị cốm. Tôi đã suy nghĩ mãi và quyết định thử nghiệm cách bảo quản cốm để có thể ăn được quanh năm, bất kể mùa nào. Giờ đây, khi cầm trên tay gói Cốm Mộc Thủy, bạn có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh và mang ra giã đông tự nhiên, ăn bất cứ lúc nào trong năm mà hương vị vẫn trọn vị cốm truyền thống”, anh Toàn cho biết.
Không chỉ có thế, với không gian nhỏ bé tại 62 phố Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm), anh Toàn đã tạo nên một điểm đến khiến du khách không thể cưỡng lại được việc dừng chân để chụp vài tấm ảnh hay thưởng thức món trà cốm có một không hai ở nơi này, trước khi có một cuộc hành trình thăm Phố cổ hoặc lang thang đến không gian Bích Họa Phùng Hưng.
“Tôi muốn tạo một sản phẩm mới trên nền tảng sản phẩm truyền thống, đó không chỉ là nuôi dưỡng đam mê, khát vọng làm giàu, mà còn mong muốn góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm truyền thống của Thủ đô”, anh Toàn chia sẻ.
Đổi mới dựa trên sản phẩm truyền thống. |
Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Đây là một yêu cầu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong kỷ nguyên số.
Là một “nữ tướng” trên đồng ruộng, kể câu chuyện về vận dụng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, chị Cao Thị Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hoà) nói: “Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai, mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng. Đúng vậy, nếu ngành nông nghiệp mà ta biết vận dụng đổi mới sáng tạo thì có thể rất hiệu quả, rất mạnh mẽ. Áp dụng khoa học công nghệ, chúng tôi chỉ có 10 người mà có thể làm tới 300 ha lúa vẫn nhàn như chơi. Đừng để ruộng bỏ hoang! Hãy làm cho nông nghiệp ngày càng vững mạnh. Nền an ninh lương thực càng giàu thì đất nước càng vững mạnh”.
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho rằng: Khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin và đam mê, kiên trì bền bỉ, dám đối mặt và vượt qua thử thách, khó khăn thậm chí là định kiến giới và cả thất bại. Chặng đường ấy rất cần sự động viên, khích lệ và đặc biệt sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố với các cơ chế, chính sách thuận lợi.
Tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua đó thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô