Doanh nghiệp có đủ sức khỏe để chờ các giải pháp hỗ trợ do dịch Covid-19?

Doanh nghiệp kiệt sức để đối phó với dịch

Nhìn nhận về bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.

Trưởng ban Pháp chế VCCI nói: “Có thể dùng một từ để mô tả về lực lượng chống dịch đó là “quá tải”. Chính quyền phải căng mình chống dịch, nhiều cán bộ, lãnh đạo nhà nước cấp cơ sở thời gian ngủ chỉ 3-4 tiếng/ngày. Doanh nghiệp cũng kiệt sức để đối phó với dịch”.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Nếu như năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Khảo sát của VCCI cho thấy, 87% doanh nghiệp cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến.

Dịch bệnh sang năm 2021 tác động lại càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An… Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn.

Doanh nghiệp có đủ sức khỏe để chờ các giải pháp hỗ trợ do dịch Covid-19?
Doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp.

“Con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động,… thực tế sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại. Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

VCCI nhận thấy quá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn, bất lực. Đặc biệt gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hàng hóa,…

Ngày 29/7, Chính phủ đã có văn bản về tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Hy vọng điều này sẽ giúp giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, và quan trọng hơn nữa chính là đối tác. Một doanh nghiệp có khách hàng quốc tế, nếu tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp.

Áp dụng “3 tại chỗ” không thể kéo dài

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, Tập đoàn Tân Long hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 20 năm và đã có những chuyển dịch nhất định. Tháng 3/2020, sau cuộc họp với Bộ Công thương, Tân Long đã quyết định tạm dừng xuất khẩu để ổn định thị trường trong nước do tắc cục bộ nguồn cung trong khi nhu cầu tăng cao. Mặc dù ý thức được phải xây dựng được các kênh phân phối, cân bằng giữa xuất khẩu và phục vụ trong nước, đến nay ngành gạo của công ty đã gặt hái được những thành công nhất định, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch.

“Chúng tôi đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, không tự tin tăng trưởng 50% như kế hoạch ban đầu mà chuyển hướng sang xây dựng nội lực, xây dựng các kênh phân phối phục vụ thị trường nội địa. Hiện Tân Long đang có 8 nhà máy quy mô lớn tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, ngoài ra còn có các kho trung chuyển ở các tỉnh. Hiện chúng tôi đang áp dụng “3 tại chỗ”, tuy nhiên gặp khó khăn do một số khâu có nhân công không thuộc biên chế công ty như bốc vác, vận chuyển…

Doanh nghiệp có đủ sức khỏe để chờ các giải pháp hỗ trợ do dịch Covid-19?
Dịch đang bao vây các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp

Ở kênh phân phối, khi đưa hàng về các kho trung chuyển thì có ca dương tính nên hàng hóa bị kẹt, cũng may là chúng tôi đã xây dựng chuỗi 40 cửa hàng nên vẫn hoạt động bình thường. Mỗi ngày chúng tôi vẫn đảm bảo đáp ứng từ 2,5-3 nghìn đơn hàng. Chỉ thị 16 kèm Chỉ thị 12 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thắt chặt về quy định giao hàng nên chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Chánh Trung chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Trung, hiện đang là mùa thu hoạch ở miền Tây, nhưng do đang áp dụng Chỉ thị 16 nên việc thu hoạch, vận chuyển hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy áp dụng “3 tại chỗ” nhưng việc này cũng có rất nhiều rủi ro, không biết có thể kéo dài trong bao lâu.

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành “sức chịu đựng của doanh nghiệp năm nay cao hơn”. Đối với vấn đề logistics, chỉ số PMI tháng 6 của Việt Nam đã xuống rất thấp chỉ còn 44 điểm, tháng 7 chưa có số liệu nhưng cũng khó trên 50 điểm. Logistics là khó khăn chung của kinh tế thế giới và Việt Nam còn khó khăn hơn do dịch đang bao vây các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp. Một số lĩnh vực dịch vụ cũng đang bị tác động rất tiêu cực vì dịch bệnh như hàng không hay du lịch. Những ngành này đang hy vọng sau khi hết dịch sẽ bật tăng trở lại, nhưng còn kỳ vọng vào các gói hỗ trợ của Chính phủ để phục hồi.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Với lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại như hàng không, du lịch, tất cả đều rất khó khăn, từ doanh nghiệp nhà nước như VietnamAirlines đến các doanh nghiệp hàng không tư nhân. Các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra trước đó “nhắm” vào việc dịch bệnh sẽ ổn định trong quý 2 năm 2021 và doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động ổn định từ quý 3, quý 4 mà chưa tính tới làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4. Vì vậy, các gói hỗ trợ này chưa đủ “liều”, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường.

“Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến”, ông Đậu Anh Tuấn lo lắng.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích