Doanh nghiệp chủ động tìm cơ hội trong thách thức
Khẳng định bản lĩnh của những nhà quản trị doanh nghiệp
Tại Diễn đàn kinh tế trực tuyến “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19”, ông Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua một năm rưỡi bấp bênh, chịu nhiều áp lực. Dịch bệnh lần thứ 4 tác động đến doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp giảm nguồn thu do không bán được hàng; đứt gẫy các nguồn cung ứng nguyên liệu; thiếu nguồn lao động do chính sách giãn cách xã hội; nhiều đơn hàng bị hủy; quy mô sản xuất giảm cộng với hạn chế quy mô về tích lũy vốn không bền vững; trong khi đó cũng có những nơi thừa nguồn lao động gây áp lực lên tiền lương… tất cả tạo nên một sự bấp bênh cho doanh nghiệp trong suốt thời gian dài.
Doanh nghiệp luôn thực hiện nghiêm quy tắc phòng, chống dịch (Ảnh minh họa) |
“Nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang bị đuối sức, điều đó thể hiện ở con số doanh nghiệp rút lui ra khỏi thị trường. Mặc dù đây là nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ – lực lượng có quy mô hoạt động hạn chế về vốn, thì chịu tác động mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất chính là chính sách giãn cách xã hội khiến cho doanh nghiệp không thể thông thương, tác động đến toàn bộ đời sống của doanh nghiệp, của người dân và tác động trực tiếp đến thị trường.
Thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành hàng loạt chính sách. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khoảng 70% doanh nghiệp hài lòng với các chính sách này, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng lại thấp hơn nhiều, do khoảng trống giữa chính sách và thực thi”, ông Nam cho biết.
Cùng quan điểm với những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt như ông Nam phân tích, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bổ sung: “Doanh nghiệp đang khó khăn, dù không hoạt động, vẫn phải đóng khoản thuế, như tiền thuê đất, nếu không miễn, giãn, hoãn thuế, sẽ vô hình chung khoác gánh nặng lên cho doanh nghiệp. Hoặc doanh nghiệp đang cố gắng, nỗ lực để tái khởi động kinh doanh, duy trì hoạt động kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhưng có một chút thu nhập, nếu bị thu thuế ngay, doanh nghiệp không có nguồn để bù đắp lại khoản chi phí phải tăng lên. Việc giãn hoãn giảm nguồn thu ngân sách, sẽ giúp giảm đi những khó khăn cho doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, khó khăn rất lớn, nhưng chính đại dịch tạo ra môi trường để khẳng định bản lĩnh của những nhà quản trị doanh nghiệp. Họ thực sự sáng tạo, quyết đoán nhanh hơn với những thay đổi không lường trước của diễn biến dịch bệnh. Từ đó, chớp nhanh cơ hội, thời cơ, tạo thành quả cho nền kinh tế.
Chen chân được vào những chỗ “đứt gãy”
Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ đạt khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng; gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vắc xin 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế tới đây khoảng 20.000 tỷ đồng.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính phân tích, với những doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, vẫn có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận giảm do tác động của Covid, thì việc hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất có ý nghĩa trong việc gia tăng nguồn thu nhập để doanh nghiệp tái đầu tư. Nhưng với những doanh nghiệp đang thua lỗ, nguy cơ đóng cửa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có giá trị. Có thể họ vẫn tiêu thụ được hàng hóa, vẫn cung ứng được dịch vụ nhưng chi phí đầu vào tăng, dẫn đến bị lỗ, thì chính sách thuế giá trị gia tăng mới phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế): Để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, nhiều tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đây là một trong những lý do cơ bản làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kèm theo đó là ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ người nộp thuế, các Cục thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền trên trang web, các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội… để chuyển tải nội dung chính sách thuế, hỗ trợ về thuế đến người nộp thuế. Tổng cục Thuế sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để khi có chính sách mới sẽ thực hiện tuyên truyền và có giải pháp hỗ trợ một cách kịp thời đến người nộp thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. |
Hiện đang đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với một số lĩnh vực khó khăn nhất định. Hoặc với những doanh nghiệp gặp khó khăn, không cung cấp được dịch vụ, không có lợi nhuận, chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng không có tác dụng. Trong trường hợp này, chính sách hỗ trợ giảm tiền thuê đất hoặc gia hạn tiền thuê đất có ý nghĩa tích cực với doanh nghiệp. Hay đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn nên quy mô kinh doanh, thì việc giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân với hộ cá nhân kinh doanh lại có ý nghĩa.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Trường, trong bối cảnh dịch bệnh, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp hay dân cư than khó, mà chính Nhà nước cũng hết sức khó khăn với những khoản chi tăng thêm do chi phòng ngừa dịch bệnh, chi phí mua vắc xin. Bản thân nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh tăng trưởng chậm lại, thì nguồn thu của thuế cũng giảm đi, áp lực cân đối ngân sách nhà nước rất lớn. Bởi vậy, nếu có sự đồng lòng, chia sẻ khó khăn, doanh nghiệp mới vượt qua được dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ “góp phần” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chứ không thể đóng vai trò quyết định. Vấn đề chính vẫn là năng lực nội tại của doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Xét về lâu dài, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn khi khó khăn kết hợp với các chính sách dài hơi đã có sẵn sẽ bổ trợ cho nhau để mang đến nguồn lực tốt hơn cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các doanh nghiệp cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
Các chuyên gia cũng đánh giá, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, tiền điện, nước, viễn thông, lãi suất và vốn nêu trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách, chắc chắn ngân sách sẽ hụt thu, nhưng giảm khó khăn cho doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần thiết và được ưu tiên hàng đầu./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô