Doanh nghiệp “chật vật” vì bão giá vật liệu xây dựng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã ghi nhận mức tăng 0,38% so với tháng trước. Trong khi đó, giá dầu được dự báo sẽ còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng “chật vật” vì bão giá.
Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các Hiệp hội cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, xi măng đã tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 – 15%, cát tăng 10.000 đồng/m³ so với đầu năm. Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh có loại tới 40% và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.
Giá dầu tăng mạnh khiến cho chi phí vận tải trong nước và quốc tế, đặc biệt là đường biển (bên cạnh vấn đề thiếu container rỗng do đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) tăng kỷ lục đã và đang gây áp lực lên công tác mua sắm cho các bộ phận cung ứng của các đơn vị xây dựng.
Đặc biệt, với việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc dẫn đến rất nhiều tỉnh thành tại nước này bị phong tỏa hoặc hạn chế đi lại đã gây nên rất nhiều khó khăn do nhiều mặt hàng phục vụ các Dự án được mua sắm từ quốc gia này. Tình trạng tắc cửa khẩu biên giới do ảnh hưởng của chính sách Zero-Covid của Trung Quốc khi tăng cường giám sát hải quan tại khu vực cửa ngõ cũng gây áp lực cho nguồn cung hàng hóa đặc biệt về mặt tiến độ.
Do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy móc và thiết bị thi công bởi các nguyên nhân nêu trên. Đối với các hợp đồng được ký kết dưới dạng đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của các Dự án so với dự kiến. Đây là vấn đề các doanh nghiệp xây dựng đang phải chịu thách thức và cần tìm cách vượt qua.
Với nỗ lực trên tiêu chí vì lợi ích của chủ đầu tư, đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng thi công công trình cũng như tiến độ cam kết lên hàng đầu, các doanh nghiệp xây dựng đã và đang triển khai một số biện pháp nhằm giảm thiểu và hạn chế tác động nêu trên tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo bà Mai Thị Vân Anh – Phó Giám đốc SCI E&C, hiện Công ty đang thực hiện một số biện pháp hạn chế ảnh hưởng của giá vật liệu như: Rà soát và kiểm soát chặt chẽ hệ thống cung ứng, kho vận để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc lưu thông hàng hóa (trong nước và nhập khẩu); Tiến hành ký kết hợp đồng mua sắm cho các Dự án đang triển khai sớm trong khả năng có thể để cố định giá cả đầu vào, tránh biến động lớn và ràng buộc các điều khoản cố định giá;
Bên cạnh đó doanh nghiệp đã nâng cao trình độ của nhân sự cung ứng, kho vận đảm bảo tính chủ động, chính xác trong công việc, tránh mua thừa/thiếu, cấp thừa/thiếu giúp tối ưu nguồn lực tài chính, con người; Đối với nhiên liệu sử dụng cho hệ thống máy móc thiết bị của Công ty (dầu DO 0.05S, các loại dầu mỡ phụ, xăng…), tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát, bảo dưỡng và kiểm soát hoạt động của máy móc để tận dụng triệt để nguồn nhiên liệu tiêu thụ để tạo đầu ra cao nhất với mức nhiên liệu tối ưu nhất.
Chủ động khắc phục khó khăn trước tình hình bão giá tăng cao, Công ty đã thực hiện dự báo định kỳ và cấp cảnh báo cần thiết tới các bộ phận liên quan để nâng cao mức độ truyền thông thông tin giúp các bên có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về tình hình thị trường đối với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn hoặc nhu cầu cao để cập nhật giá gói thầu ở mức dự phòng phù hợp. Đối với các gói đã chào có kèm điều kiện tăng giá, có cảnh báo tương ứng với phía chủ đầu tư và thực hiện điều chỉnh khi đáp ứng yêu cầu hợp đồng. Riêng đối với các gói đơn giá cố định, trọn gói, kiểm soát chặt tất cả các đầu mục chi phí để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của biến động giá cả chung.
Đàm phán với các nhà cung cấp đã ký hợp đồng nguyên tắc và thường xuyên cấp hàng để giảm thiểu mức tăng giá dựa trên nguyên tắc chia sẻ, vì mối quan hệ hợp tác lâu dài; Cân đối nguồn lực tài chính, nhu cầu thực tế cũng như đặc thù về công tác bảo quản để tăng lượng tồn kho đối với một số loại hàng hóa thuộc diện thường xuyên mua sắm như sắt thép, phụ tùng máy móc thiết bị.
Đối với các mặt hàng có nguy cơ chịu ảnh hưởng do phong tỏa hoặc hạn chế đi lại của Trung Quốc hoặc các nước xuất khẩu khác mà Công ty đang làm việc, tiến hành đàm phán với nhà cung cấp tìm phương án thay thế. Trong trường hợp cần thiết, tiến hành đánh giá lựa chọn nhà cung cấp thay thế đáp ứng tiêu chí về giá cả, chất lượng, tiến độ (trình nguồn với Chủ đầu tư nếu cần) hoặc đổi phương án vận tải trong trường hợp kẹt cửa khẩu biên giới.
Là nhà thầu đang trực tiếp đảm nhận nhiều dự án lớn, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đang đối mặt với nỗi lo đầu vào của vật tư, thiết bị. Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết: Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chần chừ và lo lắng vì giá vật liệu xây dựng tăng cao và biến động, vì càng làm càng lỗ, làm nhiều lỗ nhiều. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý cần có chính sách bình ổn vĩ mô nhất là giá xi măng, sắt thép, xăng dầu… Có chính sách điều chỉnh giá, bù giá kịp thời bù đắp chênh lệch giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua doanh nghiệp đã mua.
Cùng đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện một đơn vị đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị đang thi công nhiều công trình giao thông, hạ tầng chia sẻ: Cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có các mỏ vật liệu như: Đất, đá, cát…. để chủ động trong thi công, tránh bị đầu nậu đầu cơ tăng giá. Bên cạnh đó các ngân hàng cần hỗ trợ cho vay nhiều hơn, lãi suất thấp hơn đối với các doanh nghiệp chuyên thi công xây lắp. Bộ Xây dựng cũng phải xem xét điều chỉnh các định mức xây dựng, hiện có nhiều định mức chưa phù hợp với trình độ chuyên môn và công nghệ của các doanh nghiệp hiện nay…
Ông Trần Hồng Phúc – Tổng Giám đốc Công ty Phục Hưng đã cung cấp thêm, để nỗ lực chống đỡ bão giá, công ty đã cố định chi phí đầu vào bằng mua tồn trữ, đặt hàng cho các hợp đồng; Tiết kiệm chi phí tiêu hao nguyên liệu vật liệu chính; Hỗ trợ người lao động để tăng cao năng suất lao động; đưa công nghệ vào rút bớt nhân lực trong các dự án. Các đơn vị tham gia trong thui trường xây lắp cũng đã tăng cường công tác thu vốn theo tiến độ để đảm bảo dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu về dự phòng hàng hóa.
Trước tình hình khó khăn do đầu vào tăng cao, các chủ đầu tư cũng phải xem xét biên lợi nhuận, cắt giảm lợi nhuận. Chủ động cắt giảm tuy nhiên do biến động về giá vượt quá 3 – 5% nên phải có điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, dù nhiều nhà đầu tư đã chủ động tìm cách để ứng phó, thích nghi với biến động của giá nguyên, vật liệu. Tuy nhiên, với mức giá nguyên, vật liệu tăng cao bất thường như hiện nay, có thể đưa vào trường hợp bất khả kháng nên có giải pháp cho biện pháp bù giá cho các nhà thầu thi công các dự án. Với công trình đầu tư công thì nên sử dụng quỹ dự phòng để điều chỉnh do ảnh hưởng tăng giá./.