Doanh nghiệp cần thích ứng nhanh với tiêu chuẩn xanh của EU

Đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cùng với thắt chặt chi tiêu, các nước còn gia tăng tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu. EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.

Chẳng hạn, từ ngày 1/10.2023, EU bắt đầu thực hiện thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) với xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro nhập khẩu. CBAM được thiết kế để giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon liên quan đến hàng nhập khẩu vào EU bằng cách bảo đảm rằng chi phí carbon của hàng hóa nhập khẩu tương đương với chi phí carbon do các nhà sản xuất EU chịu theo Hệ thống Thương mại Phát thải của EU. Việt Nam có 4 mặt hàng bị ảnh hưởng là xi măng, sắt thép, nhôm và phân bón.

Bên cạnh đó, EU đã thông qua quy định không gây mất rừng, thực thi từ tháng 12/2024. Theo đó, cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. Những ngành hàng chủ lực của tỉnh bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, sầu riêng, gỗ và sản phẩm gỗ.

Doanh nghiệp cần có những bước đi rõ ràng để đáp ứng những tiêu chuẩn xanh của EU để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Điều này đã và đang hình thành nên luật chơi mới về thương mại và đầu tư, buộc các nước xuất khẩu thay đổi tư duy, quan tâm tới yếu tố xanh để đáp ứng yêu cầu thị trường. Thép là ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh để tăng xuất khẩu vào EU, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Tuy vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, chuyển đổi xanh không dễ với ngành thép vì đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ cũng như sự chủ động của doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp thép đang phối hợp với các đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được CBAM và nghiên cứu giải pháp và lộ trình giảm phát thải carbon.

Cùng với chuyển động của doanh nghiệp, ông Thái đề xuất cơ quan quản lý đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược, kế hoạch hành động để ứng phó với cơ chế CBAM. Doanh nghiệp phải được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá, các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững của EU là một xu thế chung tất yếu. Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

“Nếu như hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn và các yêu cầu liên quan đến xanh, bền vững mà EU áp đặt thì cũng không có cơ hội nào để tận dụng những ưu đãi thuế quan cả”, bà Trang nhấn mạnh.

Vì vậy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hay các yêu cầu về phát triển bền vững của EU là xu thế chung. Nếu hàng hóa của Việt Nam tuân thủ và thực hiện được những yêu cầu đó, chúng ta có nhiều cơ hội hơn để tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu về chuyển đổi xanh, CBAM, và kinh doanh có trách nhiệm. Ngoài ra, triển khai các chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là 6 ngành chịu ảnh hưởng của CBAM. Cùng với đó, phối hợp với hệ thống thương vụ ở nước ngoài để sớm cung cấp cho doanh nghiệp những quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn…

Các “tiêu chuẩn xanh” của EU

Ngày 13/12/2022, các quốc gia thành viên EU đã thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), là một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal – EGD) được EU khởi động từ năm 2019 nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Theo đó, EU dự kiến sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro và có khả năng mở rộng ra cả hóa chất hữu cơ, nhựa và ammonia. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023.

Thỏa thuận Xanh châu Âu là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, với một nền kinh tế hiện đại, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả và cạnh tranh, đặt mục tiêu không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050 và tăng trưởng kinh tế mà không phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên. Thỏa thuận Xanh cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, đồng thời bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của công dân khỏi những rủi ro và tác động liên quan đến môi trường.

Theo lộ trình thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Âu, vào tháng 7/2021, EU đã trình đề xuất về quy định thiết lập cơ chế CBAM như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Mục tiêu của CBAM là giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon gây ra do những chính sách khí hậu thiếu chặt chẽ của các quốc gia không thuộc EU, đồng thời bổ trợ cho Cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải của EU (EUETS). Các chứng chỉ CBAM sẽ được cấp cho các nhà nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải tích hợp trong sản phẩm mà họ nhập khẩu vào EU và có giá bằng hạn ngạch ETS.

Bên cạnh Thỏa thuận Xanh châu Âu, một vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản cũng cần lưu tâm là Chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork – F2F) của khu vực này.

Nội dung chính của F2F bao gồm 5 mục tiêu chính cần đạt được vào năm 2030, cụ thể là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học (chemical pesticides); Giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất là 50%; Giảm việc sử dụng phân bón ít nhất là 20%; Giảm 50% doanh số thuốc kháng sinh bán cho các trang trại; Có 25% tổng diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Để đảm bảo công bằng, châu Âu sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác áp dụng tiêu chuẩn tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có định hướng xuất khẩu, nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt là khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh đang ngày càng được nâng cao. Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà cũng là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm tại thị trường này, bởi vì các tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc đang thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn.

Trong bối cảnh thị trường sản phẩm có chứng nhận đang ngày càng phát triển, các đơn hàng yêu cầu tiêu chuẩn cao ngày càng nhiều, doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động tìm hiểu thông tin, cải thiện quy trình sản xuất để nhanh chóng đáp ứng được xu hướng tiêu chuẩn xanh này, đạt được lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp đến từ những quốc gia xuất khẩu khác.

Nhìn chung, vào thời điểm hiện tại, hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn xanh của EU vẫn còn khá hạn chế. Mặc dù tiềm ẩn nhiều thách thức, nhưng nếu tận dụng thành công cơ hội xuất khẩu xanh sang EU, lợi ích Việt Nam có thể nhận được cũng là khá đáng kể. Kinh tế xanh là một trong những định hướng phát triển kinh tế chính trong tương lai của Việt Nam, do đó doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước và các hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và các đơn vị khác liên quan trong hành trình “xanh hóa” hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

 An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích