Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn phát triển bền vững khi xuất khẩu vào Canada

Theo thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch trong năm 2022 so với cùng kỳ năm trước. Sau khi có CPTPP, xuất khẩu của nước ta sang Canada đã tăng gấp đôi, từ mức 4 tỷ USD năm 2018 lên 9,9 tỷ năm 2022. Sau 5 năm CPTPP được thực thi, đây là thị trường tỷ USD có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các nước CPTPP. Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Nguyên nhân tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào Canada là do cấu trúc nội tại của Canada. Đây là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao với các mặt hàng tiêu dùng mà chúng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, gỗ… Canada cũng có tốc độ tăng dân số cao trong nhóm các nước G7 với mỗi năm tăng thêm khoảng 500.000 – 1 triệu dân nhập cư ở độ tuổi tiêu dùng mạnh mẽ. Đặc biệt là 300.000 kiều bào, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại đây. Với 7 triệu người gốc Đông Á và Đông Nam Á, Canada đã trở thành thị trường tiềm năng đối với nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP đang được hưởng ưu đãi thuế quan theo cả GSP, MFN và CPTPP. Thực tế cho thấy sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu các mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như: Điện thoại, điện tử, điện máy, rau củ quả hạt điều, cà phê… sử dụng form ưu đãi nào sang địa bàn cũng tăng đột biến. Có những mặt hàng tăng trên 1000%, cho thấy CPTPPP thực sự có tác động đòn bẩy.

Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn phát triển bền vững khi xuất khẩu vào thị trường Canada. Ảnh minh họa

Theo đó, CPTPP đã giúp các nước quan tâm hơn đến cơ cấu thị trường của các mặt hàng xuất khẩu, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động đến xuất khẩu hàng hoá việt Nam nhờ hiệu ứng lan toả, nhờ sự phát triển của hệ thống vận tải và logistics giữa hai nước. Nguyên nhân cuối cùng là hàng hoá Việt Nam đã chinh phục thị trường này nhờ sự nỗ lực cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại và khả năng đảm bảo yêu cầu về bao bì chỉ dẫn. Ở Canada, doanh nghiệp Việt Nam được biết đến như các nhà cung cấp hàng hoá đáng tin cậy, có khả năng đáp ứng được các đơn hàng khó, đơn hàng cao cấp, có yêu cầu cao về thời gian giao hàng, sẵn sàng thực hiện các đơn hàng nhỏ. Một yếu tố khác khiến người dân Canada ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam là nhu cầu muốn đa dạng hoá mặt hàng, bạn hàng, giảm rủi ro phụ thuộc vào số một đối tác.

Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn phát triển bền vững khi xuất khẩu vào thị trường Canada

Các tiêu chuẩn bền vững của Canada được đặt trong bối cảnh những quy định chung của thế giới về lộ trình phát triển bền vững đến năm 2030. Ngay từ năm 2015, Canada đã đưa mục tiêu sản xuất và tiêu dùng trách nhiệm vào lộ trình phát triển bền vững nhằm sản xuất sử dụng ít tài nguyên hơn, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài chính sách khuyến khích xe điện và các phương tiện không phát thải, Canada khuyến khích tái sản xuất, tái tân trang, tái chế và tái sử dụng. Từ chính phủ đến người dân đều phải có trách nhiệm giảm cacbon trong các quy định tiêu dùng. Các doanh nghiệp Canada cũng có xu hướng thay thế các sản phẩm cùng loại nhập từ xa bằng cách tìm các nguồn cung từ các thị trường gần. Đồng thời, chú trọng tìm kiếm các đối tác nhập khẩu có cùng mối quan tâm, cùng năng lực với mình. Ví dụ da giày, dệt may, nội thất đều phải quan tâm sản xuất xanh, sản xuất sạch, sử dụng vật liệu tái chế…

Quy định của Canada đi đầu trong các nước G7, OECD trong việc áp đặt trách nhiệm mở rộng không chỉ với các bên tham gia thiết kê, sở hữu thương hiệu mà còn áp đặt nhà bán buôn và phân phối. Nếu không tìm được nhà bán buôn và phân phối thì sẽ áp đặt đến nhà bán lẻ cuối cùng. Trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng buộc các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm với việc thu hồi, quản lý sản phẩm nhựa ở cuối vòng đời sản phẩm như: Trả tiền đặt cọc bao bì, thu đổi sản phẩm, lắp đặt điểm thu nhận bao bì…

Các quy định này có thể nói là rào cản phi thuế quan rất bất lợi cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vì các doanh nghiệp nội địa Việt Nam khó có khả năng triển khai hoặc uỷ quyền triển khai sản xuất mở rộng. Các nhà bán lẻ vì ngại ràng buộc trách nhiệm nên sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Canada hoặc các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia vì dễ thương lượng hơn về vấn đề yêu cầu sản xuất mở rộng.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích