Doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi thị trường tăng 40%

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), kinh doanh bất động sản tiếp tục chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành. Điều này thể hiện qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường và vốn đăng ký thành lập mới giảm lần lượt gần 59% và 54% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, lượng doanh nghiệp bất động sản rút khỏi thị trường vẫn tăng cao, trên 40% so với cùng kỳ năm 2022, mức cao nhất trong 17 lĩnh vực, ngành nghề.

Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam trong báo cáo đưa ra đầu tháng 6 cũng đánh giá các doanh nghiệp địa ốc đồng loạt rơi vào trạng thái “như người sắp chết đuối”. Bộ Xây dựng trong các nhận định gần đây cũng chỉ ra, thị trường bất động sản chưa hết khó khăn. Nguồn cung sụt giảm, các doanh nghiệp không bán được hàng, không có dòng tiền.

Doanh nghiệp bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang đối diện không ít thách thức, khiến họ phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như: tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; nhiều doanh nghiệp còn dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, nhằm ứng phó với điều kiện khó khăn. Mà một trong những khó khăn lớn là phát hành trái phiếu, huy động vốn của khách hàng, và việc tiếp cận nguồn vay tín dụng bị hạn chế, dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp địa ốc đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số đơn vị gia nhập thị trường lĩnh vực này nửa đầu năm 2021, khi cao hơn gần 45% so với 2020.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về bức tranh doanh nghiệp nói chung, thị trường có một số tín hiệu khả quan. Tháng 6, số lập mới và tái gia nhập thị trường đạt khoảng 21.000 doanh nghiệp.

Tính chung nửa đầu năm, có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại thị trường, trung bình 19.000 đơn vị mỗi tháng. Trong khi đó, khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui, tức bình quân 16.600 đơn vị, Số này giảm lần lượt 6% và 13% so với bình quân 5 tháng và 4 tháng đầu năm nay.

“Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Dù vậy, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, thấp nhất cùng kỳ 5 năm qua. Vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm hơn 48% so với cùng kỳ 2022.

Khó khăn về đơn hàng, tồn kho tăng, giá nguyên liệu tăng cao trong khi sức mua yếu là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp giảm nhu cầu vay vốn mới cho sản xuất. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khuyến nghị, các chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại và tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp cần được các bộ, ngành đẩy nhanh hơn. Bởi, khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra, doanh nghiệp mới có nguồn lực trả nợ, hấp thụ vốn mới.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích