Đoàn nhà báo Hà Nội tác nghiệp thực tế tại KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng
Đoàn nhà báo Hà Nội tác nghiệp thực tế tại KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng
Sáng 12/5, hưởng ứng cuộc thi Tác phẩm báo chí: “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp”, đoàn phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí Hà Nội đã có chuyến đi thực tế tại KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng)
Chuyến đi thực tế tại KCN Nam Cầu Kiền nhằm giúp phóng viên các cơ quan báo chí ghi nhận được những thông tin, hình ảnh thực tế về “xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp” nói chung và KCN Nam Cầu Kiền nói riêng, làm tư liệu xây dựng các tác phẩm báo chí phục vụ cho cuộc thi.
Đại diện Ban tổ chức cuộc thi, ông Nguyễn Thiệu Anh –Thư ký Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển thông tin với phóng viên về mục đích, ý nghĩa, thể lệ… cuộc thi Tác phẩm báo chí: “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp”.
Theo ông Thiệu Anh, Ban tổ chức đã chọn một số KCN làm mô hình khảo sát thực tiễn, trong đó KCN Nam Cầu Kiền là mô hình khảo sát thực tiễn trung tâm. “Có thể nói,KCN Nam Cầu Kiền là KCN sinh thái đầu tiên của Việt Nam, do người Việt đầu tư thực hiện. Ở đây, đã có những mô hình tổ chức cộng sinh trong mô hình tổ chức kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”, ông Thiệu Anh đánh giá.
Tại buổi làm việc, phóng viên các cơ quan báo chí Hà Nội được nghe ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền giới thiệu về mô hình KCN sinh thái và giải đáp những thắc mắc của phóng viên từ chính sách, thực tiễn đến mô hình khảo sát thực tế…
Ông Điệp cho hay, đến thời điểm này, KCN Nam Cầu Kiền đã “zero” với rác thải rắn, không có rác thải rắn mang ra ngoài KCN; toàn bộ rác thải công nghiệp cũng được xử lý tại chỗ.
Trước đó, KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng được 3 hệ kinh tế tuần hoàn là hệ thống cộng sinh ngành thép; ngành nhựa và ngành phụ trợ điện – điện tử. Hiện, Nam Cầu Kiền đang bắt tay vào xây dựng hệ thống cộng sinh năng lượng tái tạo, coi đó là một mục tiêu chiến lược cùng với mục tiêu trung hòa phát thải, tiến tới “zero” CO2.
Ông Điệp khẳng định, đa dạng hóa sinh học thì phải đa dạng hóa nguồn gen và việc đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp sẽ có khả năng “zero” CO2 như thế nào.
Ông Điệp lấy ví dụ, doanh nghiệp trước kia cho trực tiếp nguyên liệu thép vào trong lò để nấu, chỉ thu được 88% – 92% thành phẩm. Đến khi có hệ thống nhà máy làm nhiệm vụ băm rửa nguyên liệu, lượng thép thu hồi tăng lên từ 99% – 99,5%. Việc doanh nghiệp tiết kiệm được nguyên liệu đốt, cũng đồng thời tiết kiệm được tiền và giảm thiểu CO2 ra môi trường. “Từ kinh tế tuần hoàn với sinh thái này sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây là bài toán kinh tế môi trường chứ không phải bài toán đầu tư để mất tiền của doanh nghiệp”, ông Điệp kết luận.
Trong chương trình đi thực tế, đoàn phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí Hà Nội đã đến dâng hương, tham quan Nhà kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại KCN sinh thái Nam Cầu Kiền; tham quan toàn cảnh thực tế về KCN sinh thái; hệ thống xử lý nước thải tại Vườn Nhật; khu vườn hạnh phúc…/.
Cuộc thi Tác phẩm báo chí: “Xây dựng và phát triển đa dạng hóa sinh học trong môi trường công nghiệp” là giải thưởng do Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển/Tạp chí Kinh doanh và Tiếp thị tổ chức.
Cuộc thi nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo động lực nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, góp ý từ chính sách đến thực tiễn, đẩy mạnh sáng tạo và nghiên cứu chuyên sâu về đa dạng hóa sinh thái trong môi trường công nghiệp.
Bên cạnh đó, khuyến khích phóng viên, biên tập viên, công dân tích cực sáng tác và ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị