Đoàn công tác Bộ Xây dựng làm việc với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và chính quyền thành phố Potsdam tại Đức
(Xây dựng) – Trong chuyến công tác tại châu Âu vào đầu tháng 7, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và chính quyền thành phố Potsdam (CHLB Đức).
Đoàn công tác làm việc về lĩnh vực phát triển đô thị tại Văn phòng đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), thành phố Berlin, Đức. |
Đô thị hóa trước những thách thức
Tại trụ sở Văn phòng đại diện GIZ tại Berlin, hai bên đã cùng nhau trao đổi những thách thức phải đối mặt khi quá trình đô thị hóa hiện nay đang diễn ra ngày càng nóng trên thế giới và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề này của các nước.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng chia sẻ về tình hình phát triển đô thị của Việt Nam và mong muốn học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển đô thị của CHLB Đức. Theo đó, hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam trung bình khoảng 40%, số lượng người dân dịch chuyển vào các đô thị mỗi năm khoảng 1 triệu người gây ra quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo sức ép rất lớn đến môi trường. Cùng với hiện tượng bê tông hóa và diện tích hồ trữ nước bị giảm nhiều khiến mưa lớn gây ra tình trạng ngập úng xảy ra tại các đô thị…
Với những kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến các vấn đề về đô thị, Việt Nam mong muốn GIZ hỗ trợ các công tác như: Quy hoạch và quản lý hệ thống đô thị; Phát triển, vận hành và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp…
Bà Karin Kortmann, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ngành – Tổ chức GIZ cho biết: Giá cả bất động sản và giá thuê nhà tại CHLB Đức hiện nay ngày càng tăng do nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao. Ngành Xây dựng Đức cũng đang đương đầu với nhiều thách thức lớn như giải quyết những vấn đề phát sinh tại các đô thị do biến đổi khí hậu tương tự Việt Nam như nhiệt độ tăng cao, nước ngập do mưa lớn… Chính phủ Đức vẫn đang thực hiện chủ trương xây dựng thêm nhà ở nhưng vẫn phải đảm bảo mang tính bền vững và bảo vệ môi trường, thích ứng với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan hiện nay.
Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, Chính phủ Đức cũng dự báo phải đối mặt với những vấn đề về an ninh năng lượng, Thủ tướng Đức cũng đã khuyến cáo tới người dân khả năng mùa đông năm nay sẽ gặp khó khăn về nguồn khí đốt làm ảnh hưởng đến hệ thống sưởi ấm của người dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trao quà lưu niệm cho bà Kathrin Lorenz – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ngành, Tổ chức GIZ. |
Hiện nay, CHLB Đức cũng đang có kế hoạch xây dựng khoảng 400.000 nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp. Bà Kathrin Lorenz – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ngành, Tổ chức GIZ cũng chia sẻ với Đoàn công tác Bộ Xây dựng một số giải pháp để thúc đẩy quá trình xây dựng nhà ở xã hội tại Đức như: Chính phủ chỉ cấp phép xây dựng tòa nhà phức hợp có trung tâm thương mại, siêu thị khi hồ sơ thiết kế có diện tích dành riêng xây dựng nhà ở xã hội, trụ sở của Chính phủ có dành tầng riêng để xây dựng nhà ở xã hội… Ngoài ra, Đức hiện nay cũng chú ý xây dựng các căn hộ diện tích nhỏ, quy mô phù hợp với số lượng thành viên của mỗi hộ gia đình… nhằm tập trung thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
Đoàn công tác Bộ Xây dựng và đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) tại Văn phòng trụ sở thành phố Berlin, Đức. |
Bà Kathrin Lorenz bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ Xây dựng, Việt Nam trong các lĩnh vực đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị xanh, quy hoạch đô thị tiết kiệm năng lượng, phát triển đô thị bền vững… Hiện nay, Tổ chức GIZ đang triển khai các dự án liên quan phát triển đô thị bền vững với ngân sách 500 triệu Euro. Tổ chức GIZ hỗ trợ các đô thị thực hiện 58 dự án thông qua hỗ trợ xây dựng khung pháp lý quốc gia; cơ chế đối thoại, đẩy mạnh sự tham gia của người dân; khai thác nguồn vốn quốc tế, nâng cao kỹ năng quản lý đô thị, quy hoạch đô thị thông qua các công cụ quản lý phát triển đô thị…
Thành phố Potsdam với kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu
Làm việc với Phó Thị trưởng thành phố Potsdam và Sở Phát triển Đô thị, Xây dựng, Kinh tế và Môi trường, Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã có những trao đổi tích cực và hiệu quả về lĩnh vực vực phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại hai thành phố lớn của Đức.
Thành phố Potsdam là thủ phủ của tiểu bang Brandenburg, Đức và là thành phố đông dân cư nhất của tiểu bang với khoảng 183.000 dân với diện tích là 187,27km2. Dân số của thành phố Potsdam tăng khoảng 1.500 đến 3.000 người/năm, GDP tăng trưởng 2-3%/năm. Chính quyền thành phố luôn quan tâm đến yếu tố biến đổi khí hậu trong quá trình tái thiết, cải tạo đô thị và ưu tiên đến người dân, đặc biệt là trẻ em.
Đoàn công tác Bộ Xây dựng làm việc với Phó Thị trưởng thành phố Potsdam, Đức. |
Thành phố Potsdam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trung hòa carbon. Ngân sách thành phố phụ thuộc vào ngân sách của Liên bang và Bang. Chính quyền địa phương triển khai lập quy hoạch phù hợp mục tiêu, kế hoạch sử dụng đất; trang bị cho các cơ sở giáo dục và xã hội; xây dựng và thực thi Luật Xây dựng và Quy hoạch; triển khai các vấn đề trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và bảo vệ khí hậu là tự nguyện của người dân.
Vấn đề biến đổi khí hậu hiện đang rất được chính quyền thành phố quan tâm, quy hoạch chung tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố hướng tới mục tiêu 100% bảo vệ môi trường, giảm tối đa 95% khí CO2, giảm 50% năng lượng tiêu hao.
Lịch sử quy hoạch thành phố Potsdam đã được lập từ sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, 50 năm nay ít có sự thay đổi lớn. Quy hoạch thành phố Potsdam bao gồm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; các bản đồ quy hoạch của thành phố phải tuân thủ theo Luật Môi trường, Luật Xây dựng… Trong đó, Luật Quy hoạch xây dựng quyết định chính về tiêu chí sử dụng đất, độ cao công trình, chính quyền địa phương xây dựng Luật Đầu tư hạ tầng giao thông.
Một góc đô thị Thủ đô Berlin, Đức. |
Để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, chính quyền thành phố Potsdam đã triển khai lập bản đồ khí hậu đô thị, bản đồ mưa để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, đưa ra các giải pháp chống ngập, kế hoạch ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Bản đồ khí hậu là công cụ chiến lược để xác định hiệu quả của các dự án, xác định rõ khu vực chịu ảnh hưởng, tác động của khí hậu. Bản đồ khí hậu giúp xây dựng quy hoạch đô thị hiệu quả hơn, giảm vật chắn trong thành phố, tạo rãnh để không khí chạy qua. Bản đồ nhiệt độ thể hiện sự chênh lệch của nhiệt độ giữa các khu vực, từ đó có các giải pháp trồng cây hai bên đường để giảm nhiệt độ. Bản đồ mưa giúp người dân chủ động phòng ngừa ngập lụt khi xảy ra các trận mưa lớn.
Một số giải pháp hiện nay của thành phố đang áp dụng là: thu hẹp diện tích để xe, tăng diện tích trồng cây xanh, xây dựng thành phố vườn, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng thay cho phương tiện giao thông cá nhân; thay đổi nhận thức và khuyến khích người dân tham gia các phong trào tiết kiệm năng lượng của thành phố. Ngoài ra, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền người dân lắp pin năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng.
Nguồn: Báo xây dựng