Đoàn công tác Bộ TN&MT làm việc với tỉnh Ninh Bình

(TN&MT) – Sáng 23/11, tại TP Ninh Bình, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Lê Minh Ngân làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về tổng kết thi hành Luật đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đồi).

Cùng đi với Đoàn công tác có các thành viên Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục Đất đai… để khảo sát cụ thể về tình hình tổng kết thi hành Luật Đất đai của địa phương; đồng thời, trao đổi, thảo luận về một số định hướng lớn sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương…; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp; trưởng phòng TN&MT các huyện, thành phố.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình

Tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, tỉnh Ninh Bình có vị trí quan trọng của vùng cửa ngõ miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với Bắc Trung Bộ, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng rừng núi Tây Bắc. Thế mạnh kinh tế nổi bật của Ninh Bình là các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch.

Với diện tích là 1.390 km2 với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng như đá vôi, đất sét, nước khoáng, than bùn. Dân số toàn tỉnh khoảng hơn 982 nghìn người với 08 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố và 6 huyện), 143 đơn vị hành chính cấp xã. Kinh tế Ninh Bình tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt trên 19.100 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2019.

Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Qua báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và đề xuất định hướng sửa đổi Luật Đất đai số 48/BC-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho thấy địa phương đã tổng kết khá chi tiết và đầy đủ các nội dung theo Đề cương hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc (phải) chủ trì buổi làm việc

Theo đó, kết quả qua hơn 7 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đã dần đi vào nề nếp và ổn định. Hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được kiện toàn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được những kết quả nhất định. Quyền sử dụng đất đã trở thành một nguồn lực để huy động các nguồn vốn trong xã hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn thu về đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành Luật đất đai vẫn còn những khó khắn, vướng mắc, bất cập. Thông tin tại cuộc họp về vấn đề này, ông Lê Hồng Thắng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết, từ thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật đất đai như mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật đất đai và giữa pháp luật về đất đai với các Luật khác; một số nội dung mặc dù đã có quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn hoặc thực tiễn phát sinh những quan hệ mà pháp luật đất đai không quy định điều chỉnh, gây khó khăn cho quá trình thực hiện quyền lợi của các chủ thể liên quan.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình nêu rõ những kiến nghị của địa phương đối với các vấn đề cần sửa đổi trong Luật Đất đai (sửa đổi) về: Quy hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường; chế độ sử dụng đất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; thu tiền sử dụng đất; xác định giá đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai…

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại cuộc họp

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận cụ thể và làm sâu sắc hơn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương và các giải pháp cụ thể để khắc phục (đề xuất hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật; điều kiện tổ chức thực hiện: tổ chức, bộ máy, nguồn vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị,….).

Đặc biệt, chú trọng thảo luận một số nội dung có tính đặc thù trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng; đặc biệt là kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ; Quản lý, sử dụng đất dể phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; phát triển công nghiệp; sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản (khai thác đá vôi với việc bảo vệ cảnh quan du lịch); Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng, rừng ngập mặn,…); Quản lý, sử dụng đất có mặt nước ven biển;…

Bên cạnh đó, cho ý kiến về một số định hướng dự kiến sửa đổi Luật Đất đai như: Sở hữu đất đai; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về thu hồi đất; Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Về chính sách kinh tế, tài chính đất đai; Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Phát buổi tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ TN&MT, các bộ ngành trung ương đã dành cho tỉnh Ninh Bình trong những giai đoạn vừa qua để địa phương phát triển theo hướng kinh tế xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, đề nghị Bộ tiếp tục tạo điều kiện, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của tỉnh; tiếp tục rà soát, tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn của Bộ về vấn đề này.

Toàn cảnh cuộc họp

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ làm báo cáo giải trình cụ thể để Bộ TN&MT có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện Luật Đất đai. Trong thời gian tiếp theo, Ninh Bình sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, công tác quản lý nhà nước về đất đai và công tác thi hành Luật đất đai thời gian qua. Thứ trưởng Lê Minh Ngân đồng tình với các ý kiến kiến nghị, đề xuất của tỉnh về sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu toàn diện, nghiêm túc, cầu thị để tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội xây dựng được Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) theo hướng hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn và có tính ổn định, hiệu quả hơn.

Bạn cũng có thể thích