Đô thị Việt Nam sẽ phát triển bền vững, giàu bản sắc

(Xây dựng) – Tại Việt Nam, đô thị hoá và phát triển đô thị là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Với nhận thức đó, Đảng ta đã quán triệt việc quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị sẽ theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo của cả hệ thống chính trị.

do thi viet nam se phat trien ben vung giau ban sac
Những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ sẽ cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW (Ảnh minh họa: Internet).

Định hướng quan trọng để phát triển

Đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam (Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022). Đây được coi là cơ sở chính trị quan trọng để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị tại nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiệu quả hơn.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Bộ Chính trị định hướng phải đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm sao cho quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

Công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước để tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Đặc biệt, kiên quyết xoá bỏ tư duy nhiệm kỳ và tình trạng “quy hoạch treo”, cơ chế “xin – cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Về Nghị quyết số 06-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Việc ban hành Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Định hướng Trung ương đặt ra phải có sự kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, hướng tới kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Ngoài ra, bảo đảm được tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn. Lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ… có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế cao.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đô thị nhận định, mục đích hướng đến cuối cùng của Nghị quyết vẫn là nâng cao chất lượng sống cho người dân, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội (là một trong những quyền của con người, của công dân được Hiến pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm).

Những nhiệm vụ quan trọng cần làm

Ban cán sự Đảng Chính phủ được chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết số 06-NQ/TW. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình hành động quan trọng này.

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó sẽ phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng thực hiện để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, Chính phủ sẽ đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 35 nhiệm vụ cụ thể triển khai các mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TW, cụ thể như Nhóm nhiệm vụ chủ yếu 1 là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Nhóm nhiệm vụ chủ yếu 2 là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Trong nhóm này với 04 nhiệm vụ tập trung gồm: Tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy chế quản lý kiến trúc.

Tổng kết, đánh giá mô hình Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và mô hình tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; đề xuất mô hình quản lý vùng đô thị phù hợp cho giai đoạn 2021-2030. Và tổ chức lập Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến nhóm nhiệm vụ chủ yếu 3 là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện, gồm: Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và Chương trình phát triển đô thị từng đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị.

Chính phủ cũng sẽ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng. Đầu tư phát triển đảm bảo an sinh nhà ở; xây dựng, phát triển đô thị thông minh; xây dựng, phát triển đô thị có năng lực chống chịu, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển các công trình xanh, khu đô thị xanh trong đô thị, đảm bảo chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh.

Nội dung quan trọng nữa cũng phải nhắc đến đó là về tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các khu vực nông thôn đô thị hóa; rà soát tổng thể, sắp xếp lại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tại các đô thị.

Các nhóm nhiệm vụ xây dựng các đề án chuyên ngành (nhóm nhiệm vụ chủ yếu 4) cũng phải thực hiện như: Sơ kết việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo các Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị; rà soát quy hoạch về giao thông bảo đảm thông suốt và liên kết vùng; nghiên cứu mô hình bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quản lý đô thị.

Đặc biệt nhiệm vụ xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá là rất quan trọng (nhóm nhiệm vụ chủ yếu 5). Trong thời gian qua, một số chính sách đã được triển khai tích cực, như: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (nội dung này đang được Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện, xây dựng dự thảo lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ).

Nhiệm vụ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) có sự tác động lớn đến nhiều lĩnh vực và dự án Luật này đang được Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 4. Bên cạnh đó, những dự án xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên cả nước và dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng 5/2023 tới). Các dự án Luật trên khi được thông qua, ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững trên toàn quốc.

Ngoài ra, trong nhóm xây dựng chính sách cũng đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị. Hoàn thiện các chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản hay rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

do thi viet nam se phat trien ben vung giau ban sac
Các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ sẽ đảm bảo hệ thống đô thị Việt Nam phát triển cân đối, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Quang Hùng cũng từng chia sẻ: Thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển đô thị tại nước ta đó là hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa. Đây là một nội dung khó, nội hàm rộng sẽ đòi hỏi sự tập trung sức lực, đội ngũ chuyên gia, các nhà chuyên môn, khoa học lớn trong và ngoài nước.

Bộ Xây dựng trong thời gian tới là cơ quan đầu mối phối hợp các Bộ, ngành, địa phương về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết và phát triển đô thị. Đồng thời, cùng các địa phương vận động thu hút đa dạng hóa nguồn lực để thống nhất thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đạt được mục tiêu cụ thể trong phát triển đô thị toàn quốc và đưa Nghị quyết số 06-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống.

Tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 – 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích