Đô thị mới Hòa Vang – Tầm nhìn và thách thức
(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Ban Đô thị – HĐND thành phố Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức ngày 31/5, tại Huyện ủy Hòa Vang.
Để đảm bảo việc phát triển Hòa Vang một cách đồng bộ, hài hòa, cần các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà quy hoạch cũng như cả cộng đồng dân cư tiếp tục chung tay đóng góp, tư vấn các định hướng mới cho Hòa Vang trong bản Quy hoạch chung sắp tới. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, Hòa Vang là huyện duy nhất của Đà Nẵng nằm trên phần đất liền của thành phố. Địa phương này đang trong quá trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản.
Ông Vinh cho hay, Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV trong giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ đô thị hóa lớn hơn 85%, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường, hình thành đô thị trung tâm Hòa Vang.
Đến năm 2025, Hòa Vang đủ điều kiện thành lập thị xã với chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế đa ngành, cửa ngõ kết nối với các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, có hạ tầng kỹ thuật xã hội đồng bộ.
Về định hướng phát triển đô thị của Hòa Vang trong quy hoạch chung đã phê duyệt, theo đó, đô thị Sườn đồi thuộc địa bàn các xã Hòa Ninh – Hòa Sơn – Hòa Nhơn – Hòa Phú; diện tích khoảng 2.823ha; dân số đến năm 2030 khoảng 140.000 người với tính chất là khu đô thị mới ưu tiên phát triển du lịch – thương mại dịch vụ kết hợp ở, với không gian xanh và mặt nước được phân bố khu vực xung quanh núi Dương Ba Làng, các khu ở tái định cư, khu biệt thự sườn đồi, các tòa nhà cao tầng có hệ số sử dụng đất cao, mật độ xây dựng thấp nhằm đảm bảo tầm nhìn hướng đến những ngọn núi phía Tây.
Cảng biển Liên Chiểu là một phần phân khu thuộc địa bàn xã Hòa Liên; diện tích phân khu khoảng 1.286,2ha; dân số đến năm 2030 khoảng 24.000 người với tính chất là Khu vực có chức năng chuyên biệt (Cảng Liên Chiểu, cụm logistics) và khu đô thị cảng biển.
Công nghệ cao (phần đô thị) là một phần phân khu thuộc địa bàn các xã Hòa Liên – Hòa Sơn – Hòa Ninh; diện tích phân khu khoảng 3.656ha; dân số đến năm 2030 khoảng 24.000 người với tính chất là phát triển gắn kết với khu vực chức năng gồm các khu công nghiệp mới (Khu phụ trợ công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2), Khu công nghiệp Hòa Ninh, các khu công nghiệp hiện hữu, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam, cùng với các không gian công cộng lớn, kết nối với khu sinh thái ở phía Tây và sông Cu Đê ở phía Bắc.
Trung tâm lõi xanh là một phần phân khu thuộc địa bàn các xã Hòa Sơn – Hòa Nhơn; diện tích phân khu khoảng 4.775ha; dân số đến năm 2030 khoảng 88.000 người với tính chất là khu trung tâm lõi xanh của thành phố, hình thành những không gian công cộng mới với nhiều không gian xanh rộng lớn với đặc trưng bởi núi Phước Tường – An Ngãi Đầu mối giao thông gồm nhà ga đường sắt mới và ga đường sắt tốc độ cao, hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ sử dụng hỗn hợp, xây dựng mới các khu dân cư tầm trung, là động lực phát triển đô thị phía Tây thành phố; Các khu xử lý môi trường tập trung (Bãi rác Khánh Sơn, Nhà máy xử lý chất thải rắn…).
Đổi mới sáng tạo là một phần phân khu thuộc địa bàn các xã Hòa Châu – Hòa Phước – Hòa Nhơn; diện tích phân khu khoảng 3.773,5ha; dân số đến năm 2030 khoảng 233.000 người với tính chất là khu vực đô thị phát triển mới của thành phố trung tâm kết hợp cải tạo chỉnh trang đồng bộ các cơ sở hạ tầng đô thị; là trung tâm văn hóa, giáo dục, thể thao, dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế; là trung tâm công cộng, văn hóa lịch sử tầm cỡ quốc gia.
Đô thị huyện lỵ Hòa Vang (một phần của phân khu dự trữ phát triển) thuộc địa bàn xã Hòa Phong diện tích khoảng 229,1ha; dân số đến năm 2030 khoảng 36.000 người với tính chất là trung tâm hành chính huyện, cửa ngõ kết nối các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên; là trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp khu vực làm động lực phát triển đô thị khu vực phía Tây thành phố.
Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, 80% xã của Hòa Vang đủ điều kiện trở thành phường. |
Có thể nhận thấy, đối với các khu vực dự kiến phát triển mở rộng trung tâm của đô thị loại I – Đà Nẵng đã được tổ chức lập quy hoạch phân khu để định hướng phát triển đô thị, làm cơ sở xác định dự án đầu tư và phát triển Hòa Vang trong thời gian sớm nhất.
Đối với khu vực còn lại có thể nhận thấy một khu vực gồm các khu chức năng như: Du lịch (sinh thái phía Tây), công nghệ cao (khu công nghệ cao), nông nghiệp (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và một khu vực chưa được định hướng phát triển đô thị là phân khu dự trữ phát triển.
Ông Vinh nhận định để đảm bảo việc phát triển Hòa Vang một cách đồng bộ, hài hòa, cần các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà quy hoạch cũng như cả cộng đồng dân cư tiếp tục chung tay đóng góp, tư vấn các định hướng mới cho Hòa Vang trong bản Quy hoạch chung sắp tới, đặc biệt là một số lĩnh vực như: Giải pháp phát triển đô thị hài hòa với cộng đồng dân cư bản địa, văn hóa địa phương. Có cần thiết phải đô thị hóa các khu vực nông thôn hay có những giải pháp khác hài hòa hơn trong tình hình hiện nay. Giải pháp phát triển đô thị gắn kết với trung tâm đô thị cũ và tầm nhìn lâu dài sẽ phát triển Hòa Vang là khu vực mở rộng của đô thị loại I – Đà Nẵng.
Nguồn: Báo xây dựng