Đô thị hóa tại Việt Nam – quan trọng là chất lượng sống của cư dân
Đô thị hóa tại Việt Nam đang tăng nhanh về số lượng, được thể hiện chủ yếu ở 2 chỉ tiêu: tăng tỷ lệ dân số thành thị và tăng số lượng thành phố, thị xã, thị trấn.
Trên thế giới, tỷ lệ dân số thành thị đã đạt 55,3%, tức là quá nửa dân số thế giới đã sống ở khu vực thành thị. Hơn 1/3 tổng số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có trên 3/4 dân số ở thành thị, đặc biệt có 10 nước và vùng lãnh thổ đạt 100%.
Ở Việt Nam, tỷ lệ dân số thành thị đã tăng lên trong những năm qua. Nếu năm 1955 mới đạt 8,7%, năm 1975 đạt 20,6%, thì đến năm 2020 đạt hơn 40%.
Không chỉ tăng về tỷ lệ dân thành thị, mà còn tăng số thành phố, thị xã, thị trấn. Năm 2020, cả nước có 862 đô thị, trong đó số thành phố trực thuộc trung ương là 5, số thành phố trực thuộc tỉnh là 73, số thị xã, thị trấn là 784.
Một yếu tố quan trọng đáng khuyến khích là ở khu vực nông thôn đã có nhiều doanh nghiệp được thành lập, bao gồm các doanh nghiệp do bản thân người ở khu vực nông thôn thành lập và các doanh nghiệp do người ở khu vực thành thị đưa vốn về thành lập. Khi các doanh nghiệp được thành lập, thì số người hình thành các “chợ lao động” ở thành phố đã giảm hẳn, đồng thời một số thị tứ, thị trấn được nâng cấp thành thị trấn, thị xã.
Với cách này, đã hình thành khu đô thị mới theo phương thức “ly nông bất ly hương”. Tỷ trọng lao động thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản giảm nhanh (từ 73% năm 1990, xuống còn 32,8% năm 2020); tỷ trọng lao động thuộc 2 nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng (tương ứng từ 27% lên 66,2%).
Tuy tỷ lệ dân số thành thị của Việt Nam tăng, nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ chung của thế giới và so với nhiều nước trong khu vực (Brunei 77,6%, Malaysia 76,6%, Indonesia 55,3%, Thái Lan 49,9%, Philippines 46,9%).
Tỷ lệ dân số thành thị sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong quá trình đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng đô thị.
Chất lượng đô thị được thể hiện ở nhiều mặt. Rõ nhất là giảm thiểu ùn tắc giao thông ở khu vực thành thị. Khi dân số thành thị đông hơn, phương tiện cá nhân gồm nhiều loại, tăng nhanh và đi lại nhiều hơn, thì ùn tắc giao thông sẽ khó tránh khỏi. Để giảm ách tắc, cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, trên cơ sở phát triển nhanh giao thông công cộng, trong đó có xe buýt, đường trên cao. Đối với những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thì cần phát triển tàu điện ngầm.
Hạn chế việc tập trung dân số ở nội thành, trong đó đưa các doanh nghiệp, trường đại học, bệnh viện, cơ quan bộ/ngành ra ngoại thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành để giảm bớt mật độ đi lại. Mở rộng, nâng cấp đường giao thông, phát triển các cầu vượt ở các ngã tư, nhất là các lối vào nội đô. Đối với những khu vực đô thị mới, cần bảo đảm các tỷ lệ về xây dựng. Tỷ lệ dành cho giao thông, công viên, cây xanh của Việt Nam hiện còn thấp, chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Cùng với việc giảm ùn tắc là giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực thành thị từ nguồn nước, không khí, rác thải, tiếng ồn, tăng tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch. Hiện cả nước là 89,15%, trong đó Tây Nguyên mới đạt 66,64%, đặc biệt Gia Lai chỉ đạt 48%, Kon Tum 51,36%, Quảng Bình 51,51%, Tây Ninh 51,75%, Bình Phước 57,84%.
Trong phạm vi cả nước, số đô thị có công trình xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn quy định mới đạt 276/819, công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định mới đạt 61/819.
Việc khử màu nước đen, mùi hôi của các kênh, mương đã có chuyển biến tích cực ở một số đô thị, nhưng vẫn chưa được giải quyết cơ bản. Một mặt cần có hệ thống cống hộp để gom và thoát nước thải riêng, mặt khác phải có giải pháp trị tận gốc (xử lý ngay từ cơ sở sản xuất, kinh doanh trước khi cho thoát ra hệ thống thoát nước thải chung).
Chất lượng đô thị còn thể hiện ở đô thị hóa, thành thị hóa nông thôn, tránh tình trạng ngược lại là nông thôn hóa thành thị. Trong các nguy cơ đáng chú ý, cần ngăn chặn tâm lý tiểu nông, đây là điểm nghẽn của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập. Không chỉ ở nông thôn hiện nay, mà điều đáng lo ngại là tâm lý này đã lan ra thành thị, thậm chí còn len vào tư duy và hoạt động của một số cán bộ, cơ quan quản lý./.