Đô thị Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II
(Xây dựng) – Ngày 11/07, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án phân loại đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II và Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Bắc Giang.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. |
Cần thiết phải mở rộng thành phố Bắc Giang
Tỉnh Bắc Giang có vị trí liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài gắn với hành lang xuyên Á Nam Ninh – Singapore.
Tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển công nghiệp khi đã quy hoạch và triển khai 9 khu công nghiệp. Cùng với đó, Bắc Giang còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch như cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống di tích lịch sử – văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật đặc sắc, các lễ hội cổ truyền vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy.
Trong đó, thành phố Bắc Giang là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội của tỉnh, được công nhận là đô thị loại II vào năm 2014. Trong những năm qua, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch được quan tâm đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị (giao thông, cấp nước, thoát nước, điện, viễn thông, xử lý chất thải, công viên, khuôn viên, cây xanh…) được tập trung đầu tư xây dựng, để từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Nhờ vậy, không gian đô thị ngày càng được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong việc phát triển thành phố về tầm nhìn quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị và quản lý đô thị…
Không gian đô thị hiện hữu còn nhỏ, quỹ đất không đủ để tiếp tục bố trí các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở thương mại – dịch vụ, sản xuất – kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở đô thị, an sinh xã hội, trồng cây xanh, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, giao thông đô thị…
Trong khi đó, dân số của thành phố ngày càng gia tăng, lao động tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ… Vì vậy, thành phố rất cần được đầu tư một cách đồng bộ, hoàn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại.
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng, mở rộng về không gian và kết cấu hạ tầng thành phố Bắc Giang theo hướng thông minh, đạt đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, chính trị, dịch vụ của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. |
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 156-NQ/TU ngày 10/08/2021 về xây dựng và phát triển thành phố Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2030. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 233-NQ/TU ngày 25/07/2022 về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 – 2025.
Cả 2 Nghị quyết đều xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang (sáp nhập huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang) và phấn đấu trở thành đô thị loại I.
Sau khi sáp nhập huyện Yên Dũng, thành phố Bắc Giang sẽ có điều kiện giải quyết được nhiều bất cập về quỹ đất đầu tư cho nhu cầu chỉnh trang đô thị, công nghiệp hóa thành phố, tạo động lực nhiều hơn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để thực hiện thành công chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan.
Phát triển Bắc Giang thành đô thị xanh và thông minh
Phạm vi xét đề nghị công nhận đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Bắc Giang hiện hữu (10 phường, 6 xã) và toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng (2 thị trấn, 16 xã), diện tích tự nhiên là 258,30km2.
Trong đó, khu vực nội thị bao gồm 10 phường hiện hữu của thành phố Bắc Giang và 14 xã, thị trấn của thành phố Bắc Giang cùng huyện Yên Dũng. Khu vực ngoại thị bao gồm 10 xã của huyện Yên Dũng.
Bản đồ ranh giới nội thị, ngoại thị của đô thị Bắc Giang. |
Phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập 13 phường là nguyên trạng dân số và diện tích của 14 xã, thị trấn của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng (sáp nhập xã Lão Hộ vào thị trấn Tân An).
Xét về vai trò, chức năng, thành phố Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận – trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Đây sẽ là đầu mối kinh doanh – thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, đô thị Bắc Giang cũng là trung tâm hành chính – chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh.
Về định hướng, thành phố Bắc Giang sẽ phát triển thành đô thị xanh và thông minh, là trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế (vùng Tây Nam của tỉnh) với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch – nghỉ dưỡng, có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác trong tỉnh.
Dân số toàn đô thị Bắc Giang tính đến ngày 31/12/2023 là 375.356 người, trong đó dân số nội thị chiếm 74,7%. Mật độ dân số toàn đô thị là 1.453 người/km2, tỷ lệ tăng dân số đạt 1,9%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 87,0%.
Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 13,98%. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm của đô thị Bắc Giang đạt 17,28%, cao gấp 3,42 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong năm 2023. Kinh tế phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ
Năm 2023, cân đối thu chi ngân sách của đô thị Bắc Giang là cân đối dư. Thu nhập bình quân đầu người của đô thị Bắc Giang đạt 80,3 triệu đồng/người/năm, bằng 1,35 lần so với thu nhập bình quân cả nước trong năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống 0,76%.
Cũng theo Đề án, thành phố Bắc Giang cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn trong tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị của đô thị loại II (nhà ở, công trình công cộng, giao thông, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý chất thải, nước thải…).
Như vậy, đô thị Bắc Giang chỉ có 2 tiêu chuẩn chưa đạt tiêu chí của đô thị loại II, đó là thu nhập bình quân đầu người so với cả nước và mật độ đường giao thông đô thị.
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Đề án phân loại đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II. |
Cùng với việc đầu tư hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II, thành phố Bắc Giang cũng tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị tại 13 khu vực dự kiến thành lập phường.
Đến nay, các khu vực này cơ bản đảm bảo các tiêu chuẩn để thành lập phường thuộc đô thị Bắc Giang, đạt tối thiểu 11/13 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15.
Làm rõ hơn lý do sáp nhập huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang
Về cơ bản, các thành viên của Hội đồng thẩm định nhất trí đánh giá Đề án phân loại đô thị Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại II có đầy đủ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục đúng quy định. Nội dung Đề án phù hợp với quy hoạch, chương trình phát triển đô thị của tỉnh và Trung ương. Việc mở rộng thành phố Bắc Giang sang huyện Yên Dũng là phù hợp với thực tiễn phát triển của đô thị và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng thẩm định cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang lưu ý một số nội dung quan trọng để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, Văn phòng Chính phủ cho rằng Đề án phải đánh giá đúng về vị thế, vai trò của đô thị tỉnh lỵ Bắc Giang. Địa phương cần tìm kiếm giải pháp cụ thể để khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu, còn thiếu và quan tâm phát triển nhà ở xã hội, không gian công cộng đô thị.
Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) kiến nghị địa phương rà soát nội dung trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và quy chế quản lý kiến trúc – cảnh quan đô thị; Xây dựng các chương trình, giải pháp cụ thể để phát triển đô thị Bắc Giang.
Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) lưu ý về các tiêu chuẩn mật độ giao thông đô thị, công trình thể thao, nhà tang lễ, tỷ lệ hỏa táng và đặc biệt là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Cục đề nghị thành phố Bắc Giang lập danh mục ao, hồ, đầm, phá không được san lấp nhằm đảm bảo thoát nước trong mùa mưa, đồng thời kiểm soát chặt các cụm công nghiệp xả thải ra sông Thương, sông Cầu.
Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) kiến nghị địa phương tập trung vào công tác quy hoạch và phát triển nguồn lực để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Bộ Công thương lưu ý địa phương cần phải rà soát, đánh giá và xây dựng phương án phát triển cơ sở hạ tầng thương mại phù hợp với tình hình phá triển thực tế.
Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích đã tiếp thu các ý kiến và cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện Hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo điều kiện thực hiện các bước tiếp theo.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá việc mở rộng thành phố Bắc Giang là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng với vùng Thủ đô và vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu địa phương phải hết sức thận trọng trong quá trình lập và thẩm định Đề án khi diện tích đô thị mới tăng lên gấp 4 lần so với ngày trước. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang phân tích rõ hơn lý do sáp nhập cả huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang. Việc diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố tăng gấp nhiều lần chắc sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương rà soát hiện trạng phát triển của đô thị, xem xét, thống nhất các số liệu trong Đề án, đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt, đầu tư cho khu vực nội thị mới thành lập và quan tâm phát triển khu vực ngoại thị không bị chênh lệch so với khu vực nội thị.
Nguồn: Báo xây dựng