Đồ nhựa dùng một lần sẽ bị cấm ở Ấn Độ từ tháng 1/7/2022

Đồ nhựa dùng một lần sẽ bị cấm ở Ấn Độ từ tháng 1/7/2022

MTĐT –  Thứ hai, 11/10/2021 16:40 (GMT+7)

Tuy nhiên các chuyên gia môi trường cho rằng động thái này là chưa đủ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từ năm sau, Ấn Độ sẽ cấm sử dụng hầu hết các đồ nhựa dùng một lần. Các chuyên gia cho rằng việc Ấn Độ vừa công bố lệnh cấm trên chỉ là bước đầu tiên nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần được chính phủ Ấn Độ sau một nghị quyết năm 2019 nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở nước này. Lệnh cấm này áp dụng đối với hầu hết các loại nhựa dùng một lần và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

tm-img-alt
Từ năm sau, Ấn Độ sẽ cấm sử dụng hầu hết các đồ nhựa dùng một lần. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồ nhựa dùng một lần trong diện cấm của Ấn Độ sẽ bao gồm: túi đựng hàng tạp hóa, bao bì thực phẩm, chai lọ và ống hút chỉ được dùng một lần trước khi vứt bỏ hoặc được tái chế.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc thực thi mới là chìa khóa để lệnh cấm đạt hiệu quả. Họ cho rằng, New Delhi cũng cần giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống quan trọng như chính sách điều chỉnh việc sử dụng các chất thay thế nhựa, tăng cường tái chế và quản lý phân loại rác tốt hơn.

Tại Ấn Độ, mới có khoảng 60% rác thải nhựa được thu gom để tái chế, có nghĩa là 40% (tương đương 10.376 tấn) còn lại vẫn chưa được thu gom, theo ông Anoop Srivastava, Giám đốc Quỹ chiến dịch chống ô nhiễm nhựa (FCAPP), một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ những quyết sách xử lý rác thải nhựa ở Ấn Độ.

Giám đốc môi trường và quản lý chất thải tại Viện Năng lượng và Tài nguyên (Teri) ở New Delhi cho biết, nhiều loại nhựa được sử dụng ở Ấn Độ có giá trị kinh tế thấp nên không được thu gom để tái chế. Do đó, chúng trở thành nguồn gây ô nhiễm không khí và nước phổ biến.

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ đang thực hiện các biện pháp để giảm thiểu dùng đồ nhựa bằng cách khuyến khích việc sử dụng các chất thay thế có thể phân hủy sinh học và ít gây hại cho môi trường.

Mặt khác, Ấn Độ cũng đang thiếu các quy định mới về tái chế rác thải nhựa. Mặc dù khoảng 60% chất thải nhựa của Ấn Độ được tái chế, nhưng các chuyên gia lo ngại lượng chất thải nhựa còn tồn đọng quá nhiều là bởi hiệu quả tái chế còn thấp. Trên thực tế, nhựa chất lượng cao sau khi được tái chế thành nhựa mới lại có chất lượng thấp hơn, chẳng hạn như chai nhựa được tái chế thành polyester cho quần áo.

Các nhà vận động môi trường Ấn Độ chung nhận định rằng lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là chưa đủ và chính phủ Ấn Độ cần có thêm các sáng kiến khác và các quy định mới.

Ngoài việc cải thiện khả năng tái chế, các chuyên gia khuyến nghị Ấn Độ ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp thay thế, bởi đây là một thị trường quy mô lớn, nhạy cảm với giá cả.

Trước đây, một số bang của Ấn Độ đã đưa ra nhiều hạn chế khác nhau đối với việc dùng túi nhựa, nhưng hầu hết những quy định này đều không được thực thi nghiêm ngặt.

Do đó, lệnh cấm lần này là một bước tiến lớn của Ấn Độ trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải, biển, và không khí, đồng thời phù hợp với chương trình nghị sự về môi trường của quốc gia này.

Bình Minh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích