Đo lường góp phần quan trọng trong kiểm soát sự bùng phát của đại dịch
Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, chính vì vậy việc phát hiện, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 là điều rất cần thiết. Để chăm sóc và điều trị bệnh nhân bắt buộc phải có nhiều những trang thiết bị y tế như máy trợ thở, máy nhiệt kế, các phương tiện theo dõi sức khỏe….Chính vì điều này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã rất nhanh chóng cấp phép cho rất nhiều hoạt động đo lường trong chiến dịch chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Tổng cục đã cấp giấy chứng nhận cho đơn vị hiệu chuẩn máy VCI để đảm bảo các kết quả xét nghiệm tương đối chính xác. Cùng với đó, khi tập đoàn Vingroup sản xuất máy thở tại Việt Nam, Tổng cục cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị ngày đêm hỗ trợ cho tập đoàn trong việc đánh giá chỉ tiêu về đo lường, chỉ tiêu an toàn kỹ thuật để phục vụ kịp thời cho việc sản xuất máy thở. Có thể thấy, hoạt động đo lường phục vụ khá đắc lực trong việc phòng chống Covid-19. Ngoài ra, trong thời buổi sống chung với Covid-19 như hiện nay, Tổng cục cũng đã triển khai nhiều các chương trình hoạt động đo lường trong y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, kiểm soát giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hùng Điệp – Phó Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam, thời gian vừa qua và sắp tới chính sách phát triển hệ thống đo lường quốc gia được Tổng cục triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ rất phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Toàn bộ hoạt động đo lường đều hướng đến người dân và doanh nghiệp, có thể thông qua một số điểm: Thứ nhất, Tổng cục cũng như toàn bộ hệ thống đo lường đang tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đo lường.
Thứ hai, thực hiện số hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3, cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia, cũng như cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm các thủ tục hành chính.
Thứ ba, hiện nay và sắp tới sẽ tập trung triển khai mạnh chương trình đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp theo Đề án 996.
Thứ tư, Tổng cục đang có định hướng sẽ xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng đo lường quốc gia, trong đó, hệ thống đo lường quốc gia là một trụ rất quan trọng.
Thứ năm, việc chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được triển khai, chính vì vậy, việc xây dựng ban chuyển đổi số của Tổng cục theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết.
“Có thể thấy, những định hướng mà Tổng cục đang đi rất chuẩn và đúng theo định hướng của Chính phủ, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân”, ông Điệp nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, một trong những vấn đề dư luận xã hội vô cùng quan tâm là công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng trang thiết bị y tế, chính vì vậy đầu năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3807 về việc phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó có hoạt động cho các doanh nghiệp trong việc chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm, đồ uống,… bên cạnh đó, có hoạt động cho doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế – đây được xem các doanh nghiệp trọng tâm được nhà nước ưu tiên để đổi mới hoạt động đo lường phục vụ cho việc đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Hùng Điệp, hoạt động số hóa đo lường trong doanh nghiệp và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các công nghệ lõi vào trong việc thực hiện các phép đo, thử nghiệm, kiểm tra hàng hóa, chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp đang thực hiện, nhằm điều chỉnh các quá trình công nghệ của các doanh nghiệp.
Nếu hoạt động số hóa tốt sẽ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời, nâng cao dịch vụ của doanh nghiệp đang cung cấp cho thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, và góp phần vào hội nhập quốc tế. Có thể thấy xu hướng số hóa là xu hướng toàn cầu, đo lường không thể nằm ngoài việc số hóa.
Hà My