Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức: Ý kiến của doanh nghiệp
(Xây dựng) – Ngày 5/3, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức buổi tọa đàm doanh nghiệp “Đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức” với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Các doanh nghiệp đóng góp ý kiến sôi nổi cho đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức xoay quanh các vấn đề về tài chính, chuyển đổi số, du lịch…
Ảnh minh họa (nguồn: TL). |
Cần chú trọng nguồn lực tài chính
Ông Sử Ngọc Khương, Tiến sĩ – Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, đô thị là một thực thể sống, do vậy cần phải đặt vấn đề sâu hơn chứ không chỉ bàn về không gian đô thị mà vấn đề không gian kinh tế cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thành phố Thủ Đức cần nghiên cứu sâu về năng lực tài chính và việc triển khai.
“Câu chuyện cuối cùng vẫn là vấn đề liên quan về lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ đây là bài toán kinh tế cần phải được đặt ra. Bên cạnh những không gian đô thị về công năng, chức năng thì làm sao người ta vào đó chứ không phải vẽ xong một tòa nhà cao 20 tầng thì nó trở thành trung tâm tài chính. Tại sao là Việt Nam và tại sao là Thủ Đức? Đây là vấn đề cần nghiên cứu sâu và đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, vai trò của nhà đầu tư để biết nhà đầu tư muốn gì và cần gì”.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp ý, để có được trung tâm tài chính đặt tại thành phố Thủ Đức, thành phố cần chuẩn bị các điều kiện về hành lang pháp lý, hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông, kế hoạch về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và công nghệ… Đối với việc phát triển các trung tâm thương mại tập trung, vui chơi giải trí và du lịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất cần quy hoạch một khu đô thị có hạ tầng thuận lợi để phát triển thành đô thị kiểu mẫu, hình thành chuỗi các khu thương mại, dịch vụ cao cấp.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, muốn xây dựng một đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố Thủ Đức phải xây dựng trên 3 trụ cột đó là Nhà nước, sự sáng tạo và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tham gia về mặt tài chính, do đó thành phố cần huy động nguồn vốn của xã hội, vốn từ ngân sách chỉ nên là vốn mồi, cần chú trọng huy động vốn để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối.
Tiềm năng phát triển từ hệ thống sông ngòi
Góp ý về đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corp cho rằng, Thủ Đức tiếp giáp với hệ thống sông ngòi khá nhiều, hệ thống kênh rạch khá đa dạng nên quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cần chú trọng giữ cảnh quan sông nước. Cần nghiên cứu và phát triển mô hình đô thị xanh cho thành phố Thủ Đức. “Đây là cơ hội quý báu để có những chiến lược thay đổi cả về lượng và chất cho thành phố này” – bà Lưu Thị Thanh Mẫu nhấn mạnh.
Còn ở góc độ du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, thành phố Thủ Đức có lợi thế về sông nước vì toàn bộ đoạn sông Sài Gòn gần như đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, thành phố Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn. Đặc biệt, cần có những dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm để khai thác kinh tế đêm ở thành phố Thủ Đức.
Đóng vai trò là đại diện đơn vị đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đỗ Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế EnCity cho rằng, giá đất cao là một vấn đề quan trọng, gây bất lợi cho doanh nghiệp dẫn đến sự kém cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp tại Thủ Đức. “Tôi tin rằng lãnh đạo thành phố cũng đã nhận thức rất rõ phải làm sao để giá đất không quá cao. Thay vì tất cả đều dồn vào một điểm thì nên phân tán giá trị đó ra công khai thông tin, công khai quỹ đất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin” – ông Dũng chia sẻ.
Nguồn: Báo xây dựng