Dịp lễ 30/4 và 1/5, người lao động có được thưởng không?
Các doanh nghiệp có thể tự chủ về mức độ và hình thức thưởng, nhưng phải tuân thủ quy chế thưởng của mình hoặc các thỏa thuận với người lao động. Ảnh minh hoạ: HP |
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, hằng năm người lao động được nghỉ 2 ngày trong dịp lễ 30/4 và 1/5 và hưởng nguyên lương. Năm nay, do hoán đổi ngày làm việc, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ liên tục 5 ngày. Doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện lịch nghỉ lễ giống cơ quan Nhà nước để tạo điều kiện nghỉ ngơi, vui chơi trong dịp lễ cho người lao động.
Nếu doanh nghiệp thực hiện hoán đổi ngày làm việc thì lịch nghỉ lễ của người lao động sẽ thực hiện như sau: Đối với doanh nghiệp làm việc cả ngày thứ Bảy: Người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tục, bắt đầu từ Chủ nhật (ngày 28/4) đến hết thứ Tư (ngày 1/5). Đối với doanh nghiệp nghỉ ngày thứ Bảy và Chủ nhật: Người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục, bắt đầu từ thứ Bảy (ngày 28/4) đến hết thứ Tư (ngày 1/5).
Theo Điều 104 của Bộ luật Lao động năm 2019, việc thưởng tiền cho người lao động vào dịp kỷ niệm 30/4 và 1/5 do doanh nghiệp quyết định. Đây không phải là khoản tiền thưởng bắt buộc, doanh nghiệp có thưởng hay không và thưởng bao nhiêu phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Các doanh nghiệp có thể tự chủ về mức độ và hình thức thưởng, nhưng phải tuân thủ quy chế thưởng của mình hoặc các thỏa thuận với người lao động. Quy định hiện hành không giới hạn mức thưởng, do đó số tiền thưởng có thể thay đổi tùy theo tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Thông thường, mức thưởng vào dịp này là tượng trưng, dao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Một số doanh nghiệp lợi nhuận cao có thể thưởng tới nửa tháng lương. Cũng có doanh nghiệp sử dụng hình thức thưởng khác như hiện vật.
Do tình hình tài chính khó khăn nên năm nay, số lượng doanh nghiệp thưởng vào dịp này có thể không nhiều như mong đợi.
Nguồn: Báo lao động thủ đô