Định mức dự toán và hướng dẫn xác định chi phí đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường

Định mức dự toán và hướng dẫn xác định chi phí đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường

MTĐT –  Thứ ba, 29/11/2022 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vào năm 2019, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 09/NQ-CP về việc thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR), theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là đầu mối, thực hiện quản lý nhà nước về CTR trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, Bộ TNMT sẽ tổ chức tổng hợp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phân tích hiện trạng và đề xuất sửa đổi. Hiện nay, Bộ TNMT đang tiến hành thực hiện đề án rà soát quyết định công bố định mức, dự toán số 592/BXD ngày 30/5/2014 đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường.

Để đóng góp ý kiến nhằm giúp hoàn thiện hệ thống định mức dự toán này, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đưa ra quan điểm và góp ý những nội dung chính như sau:

Nhiều định mức, hạng mục công tác ban hành công bố tại quyết định số 592/QĐ –BXD đã cũ, lạc hậu, thô sơ và cần bổ sung nhiều hạng mục còn thiếu so với thực tế

Các định mức, hạng mục công tác công bố tại quyết định số 592/QĐ-BXD gồm có 05 Chương, 26 định mức (7 định mức (đ.m) thu, quét rác bằng thủ công; 10 đ.m thu gom vận chuyển; 5 đ.m về xử lý; 2 đ.m về chât thải y tế; 1 định mức quét đường, rửa đường).

 Hệ thống định mức và hạng mục công tác đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, lạc hậu, thô sơ không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các hạng mục công tác tại công bố tại QĐ số 592/BXD dẫn tới phương thức tổ chức sản xuất vẫn chưa có sự cải tiến, xe gom rác vẫn lạc hậu, chưa được cải tiến qua nhiều năm sử dụng; các điểm cẩu, tập kết rác còn nhếch nhác chưa có quy chuẩn kỹ thuật; xe ô tô chuyên dùng chưa kín khít, vẫn còn hiện tượng để chảy nước rác ra đường; lực lượng lao động thủ công chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa chuẩn hóa…

Cụ thể, hệ thống định mức xây dựng được công bố hiện nay đối với công tác duy trì làm sạch hè đường phố, nhặt rác ban ngày vẫn hoàn toàn bằng thủ công, vẫn là chiếc xe gom XG 5.03 trong khi đó thực tế tại các tỉnh, thành phố khu vực đô thị với hạ tầng phát triển đủ điều kiện để áp dụng các máy móc thiết bị để thực hiện, đem lại hiệu quả.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn, đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng đã xây dựng, ứng dụng phương tiện, máy móc phối hợp cùng nhân công thủ công để thực hiện cong tác duy trì ban ngày.

Tại Hà Nội, các tuyến đường phố đã sử dụng 98% duy trì quét đường bằng cơ giới, sử dụng các loại xe tải cỡ nhỏ (<500kg) để nhặt rác bịch bọc trên các tuyến đường, rút ngắn thời gian lưu rác trên đường phố.

Đối với các hạng mục công tác về thu gom, vận chuyển rác tại QĐ số 592/BXD Sử dụng xe thô sơ tại điểm tập kết và chuyển lên xe cuốn ép, thực tế hiện nay các đơn vị đã chủ động áp dụng cơ giới hóa trong công tác vận chuyển rác sinh hoạt bằng nhiều phương tiện hiện đại, ép rác kín, xây dựng các Trạm chuyển tải rác với các quy mô khác nhau, xu hướng trạm chuyển tải ngầm hoặc bán ngầm.

tm-img-alt
Điểm trung chuyển rác phía sau Cung Điền kinh – Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).

Áp dụng tối đa công tác cơ giới hóa thu gom tại các khu vực đủ điều kiện hạ tầng (Xe tải nhỏ thu gom rác ngõ xóm, khu vực ngõ hẻm nông thôn kết hợp thủ công, sử dụng thiết bị ép rác kín chuyển tải rác tại khu vực độ thị), sử dụng xe đạp điện thu nhặt rác ban ngày, sử dụng xe đẩy có hỗ trợ điện đối với các hầm chứa nhà cao tầng, khu chung cư. 

Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải hiện nay cả nước hầu hết đều xử lý bằng phương thức chôn lấp, Yêu cầu của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 261:2001 của Bộ Xây dựng trước đây quy định rất kỹ từ thiết kế vật liệu kỹ thuật, dẫn nước, thu khí, thu nước rỉ rác…

Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp, không thu gom được khí mê-tan. Tại quyết định số 592/BXD chỉ công bố định mức đối với loại hình chôn lấp rác trong khi có nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. 

Sau khi rà soát, kết quả phía Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đề xuất điều chỉnh 8/26 định mức và bổ sung 14 định mức mới, bao gồm:

Các định mức đề nghị điều chỉnh 8 định mức:

• Công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày bằng thủ công;

• Công tác xúc rác sinh hoạt tại điểm tập kết rác tập trung lên xe ôtô bằng thủ công

• Công tác thu gom rác sinh hoạt từ thùng rác bên đường và tại các cơ sở y tế, vận chuyển đến địa điểm đổ rác với cự ly bình quân 20 km;

• Công tác vệ sinh thùng thu gom rác sinh hoạt;

• Các công tác vận hành bãi chôn lấp và xử lý CTSH, công suất bãi ≤ 500 tấn/ngày, trên 500 tấn/ngày đến 1.500 tấn/ngày; từ 1.500 tấn/ngày đến 3.500 tấn/ngày

• Công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh,;

• Công tác quét đường phố bằng cơ giới

 Các định mức đề nghị bổ sung: 14 định mức, cụ thể:

Đối với định mức do Bộ Xây dựng ban hành, đề nghị bổ sung: Bổ sung hạng mục “Công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày bằng cơ giới”.

Ngoài các định mức do Bộ Xây dựng ban hành đối với lĩnh vực duy trì vệ sinh môi trường, Công ty đề xuất bổ sung các định mức sau:

• Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh;

• Công tác vận hành trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt;

• Phân loại rác thải rại nguồn.

• Công tác lưu chứa, tập kết rác tạm thời khi các khu XLCT tập trung của Thành phố, tỉnh xảy ra sự cố không thể tiếp nhận rác;

• Công tác xử lý nước rỉ rác tại bãi chôn lấp;

• Công tác quản lý các bãi chôn lấp sau khi đóng bãi;

• Duy trì vệ sinh trong các vườn hoa, công viên, dải phân cách có cây xanh…;

• Duy trì nhà vệ sinh công cộng và lưu động;

• Bơm hút và vận chuyển, xử lý phân bùn bể phốt;

• Xử lý phân bùn bể phốt;

Góp ý về công tác quản lý chi phí, hướng dẫn tính giá 

Đối với việc lập phương án giá dịch vụ xử lý CTRSH theo quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu thì giá dịch vụ lĩnh vực VSMT được quy định như sau: Đối với cơ sở thug om, vận chuyển, xử lý CTRSH được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn một tỉnh, UBND cấp tỉnh giao các sở chuyên ngành lập phương án giá gửi Sở Tài chính chủ trì tổ chức thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; 

Tuy nhiên hiện nay giá dịch vụ vệ sinh môi trường đang tuân theo định mức từ quyết định số 592/BXD và theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, tính toán giá dịch vụ tập trung vào các loại chi phí cố định bao gồm chi phí vật tư trực tiếp, nhân công,máy móc, mua nguyên liệu, nhiên liệu, chi phí quản lý DN, chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định…mà chưa tính toán, bổ sung các loại chi phí biến đổi khác như chi phí thu gom vận chuyển, xử lý khi thực hiện phân loại rác thải, chi phí tác động của dự án đến môi trường, tác động tới sức khỏe người dân, tác động tới cây trồng, vật nuôi do ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, giá dịch vụ đối với CTRSH theo hướng dẫn trên đang ở mức thấp và mức giá đó chưa tính đúng, tính đủ các loại chi phí cần thiết mà nguyên tắc tại luật đưa ra là “Chủ phát thải phải chi trả từ khâu phát sinh đến khâu xử lý cuối cùng”, từ đó chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của chủ phát thải (người dân, doanh nghiệp) đối với xã hội và trách nhiệm trong BVMT. 

Đối với hướng dẫn xác định các nội dung định mức hao phí máy tại Quyết định số 1134/QĐ-BXD chỉ công bố định mức các hao phí xác định giá ca máy và thiết bị thi công cho ngành xây dựng. Ngành thuộc lĩnh vực môi trường có tính chất đặc thù hoạt động ngoài trời, tiếp xúc nhiều với hóa chất, chất ăn mòn (nước rỉ rác, chất thải, khi thải..).

Khấu hao của các thiết bị, máy móc phục vụ ngành môi trường thường có thời gian từ 5-8 năm. Thiếu các máy móc, phương tiện như ô tô chuyên dùng thu gom rác (chủng loại từ 0,5 tấn – 13 tấn; 10-20 m3), Ô tô quét hút 5-7m3,….

Không có hướng dẫn cách thức điều chỉnh giá khi có biến thiên giá về nhiên liệu, năng lượng và đơn giá nhân công. Lĩnh vực môi trường các công tác đều sử dụng phương tiện máy móc có sử dụng chủ yếu là nhiên liệu xăng dầu trong quá trình sản xuất nên rất khó khăn cho các đơn vị thực hiện. Giá nhiên liệu, năng lượng thay đổi qua các năm dẫn đến giá ca máy đều bị ảnh hưởng. Từ đó không thể đảm bảo nguyên tắc định giá theo điều 20 luật giá.

Lấy tham chiếu thực tế tại Hà Nội, Về tình hình giá nhiên liệu hiện nay Giá xăng là 26.936,36 đồng/lít (tăng 60,3% so với giá xăng tại Quyết định 453/QĐ-UBND là 16.802,55 đồng/lít); Giá dầu diêzen 0,05S-II là 23.227,27 đồng/lít (tăng 67,2% so với giá diêzen tại Quyết định 453/QĐ-UBND là 13.890,02 đồng/lít) giá tính toán làm giá gói thầu duy trì dịch vụ vệ sinh môi trường giai đoạn 2021-2023.

Tóm tắt lại các điểm chính tồn tại, hạn chế:

• Định mức, đơn giá thực hiện các hạng mục công việc bằng thủ công luôn cao hơn khi thực hiện bằng cơ giới, máy móc dẫn tới các đơn vị không muốn thay đổi, không thực hiện các giải pháp cải tiến, cơ giới hóa (Khi có Đơn vị đề xuất đổi mới phương thức thực hiện mới, cải tiến tăng năng suất lao động nhưng lại bị cắt giảm định mức).

• Định mức hao phí nhân công, cấp bậc thợ bình quân các hạng mục do các địa phương tính toán, ban hành (như TP Hà Nội…) luôn thấp hơn rất nhiều so với Bộ xây dựng, nếu thấp hơn nhiều rất cần Bộ có ý kiến với địa phương.

• Đối với hướng dẫn xác định các nội dung định mức hao phí máy: Số năm khấu hao, định mức sửa chữa máy… không có ban hành cho ngành thuộc lĩnh vực môi trường.

• Đối với hướng dẫn xác định giá ca máy: chưa có nguyên giá ca máy đối với các phương tiện, máy móc lĩnh vực môi trường.

• Không có hướng dẫn cách thức điều chỉnh giá khi có biến thiên giá về nhiên liệu, năng lượng và đơn giá nhân công.

Kiến nghị:

1. Đề nghị các Đơn vị, các thành viên hiệp hội có ý kiến đề xuất với Bộ Tài nguyên môi trường điều chỉnh, bổ sung quyết định số 592/BXD, hoàn thiện và bổ sung 14 công tác, định mức mới nêu trên.

2. Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường rà soát và ban hành các thông tư các hướng dẫn tính giá có bổ sung các hạng mục ca máy, nguyên giá ca máy đối với các phương tiện, máy móc lĩnh vực môi trường.

3. Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn cách thức điều chỉnh giá khi có biến thiên giá về nhiên liệu, năng lượng và đơn giá nhân công.

4. Đề nghị với Bộ Tài nguyên môi trường trong quá trình đi khảo sát, ghi nhận nhưng vướng mắc khó khăn của các địa phương và có ý kiến bằng văn bản với các địa phương để giải quyết nhưng khó khăn của doanh nghiệp.

Phạm Văn Đức
Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích