Định mức chi phí tái chế và một số khuyến nghị với doanh nghiệp
Định mức chi phí tái chế và một số khuyến nghị với doanh nghiệp
Theo dõi MTĐT trên
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu đưa vào thị trường Việt Nam có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý (trách nhiệm này được thực hiện từ 10/01/2022) và trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế.
Về trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện từ ngày 1/1/2024 đối với các sản phẩm gồm pin-ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú, chất tẩy rửa, xi- măng thương phẩm); từ ngày 1/1/2025 đối với các sản phẩm điện, điện tử; từ ngày 1/1/2027 đối với phương tiện giao thông. Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế của mình, đó là tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (không tự mình thực hiện tái chế) thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được tính theo công thức:
F = R x V x Fs
F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng).
R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: %).
V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: kg).
Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg).
Fs sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành vào cuối năm 2023 để các nhà sản xuất, nhập khẩu pin-ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì có thể thực hiện trách nhiệm của mình từ năm 2024. Việc xác định Fs sẽ quyết định đến việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Nó là một trong những yếu tố để xác định mức đóng góp của nhà sản xuất vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Vậy việc xác định Fs dựa trên những yếu tố nào:
Fs là yếu tố quan trọng trong cơ chế EPR bởi xuất phát từ hai mục tiêu của cơ chế. Thứ nhất, tạo ra nguồn tài chính tương đối ổn định tương ứng với lượng sản phẩm, bao bì mà nhà sản xuất, nhập khẩu đưa ra thị trường để thực hiện hoặc hỗ trợ việc thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải phát sinh trong các hoạt động này. Thứ hai, tác động đến quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối và tiêu dùng nhằm giảm bớt trách nhiệm của nhà sản xuất thông qua việc thay đổi thiết kế sản phẩm, thay đổi việc sử dụng bao bì, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, dễ thu gom, tái chế. Fs chính là yếu tố để thúc đẩy hai mục tiêu trên vì sẽ trực tiếp tạo ra quỹ để thực hiện việc hỗ trợ thu gom, tái chế sản phẩm bao bì khi nhà sản xuất lựa chọn hình thức nộp tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam; đồng thời sẽ tác động đến thị trường tái chế trong việc hình thành hoặc điều chỉnh chi phí tái chế trên thị trường. Cả hai tác động trên đều buộc nhà sản xuất, nhập khẩu phải thúc đẩy mục tiêu thứ hai nhằm giảm bớt khoản tiền phải bỏ ra để thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì.
Theo quy định của pháp luật, việc xác định Fs phải phản ánh được chi phí hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đối với chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất nhập khẩu, đây chính là phần chi phí được trích ra để phục vụ hoạt động quản lý, vận hành hệ thống EPR của Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng EPR Việt Nam và Quỹ BVMT Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo nguyên tắc này, Fs sẽ có xu hướng cao hơn chi phí tái chế thực tế của thị trường do phải tính đến chi phí quản lý hành chính. Quy định này nhằm thực thi nguyên tắc khuyến khích nhà sản xuất nhập khẩu tự tổ chức tái chế (tự mình thu gom tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện trách nhiệm EPR), cuối cùng mới là cách đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam.
Fs còn được xác định trên cơ sở tính toán đến thiết kế và thành phần vật liệu của sản phẩm, bao bì. Đối với sản phẩm, bao bì được thiết kế dễ thu gom, tái chế thì Fs có xu hướng thấp hơn. Như đã nêu trên, mục tiêu quan trọng nhất của EPR chính là thúc đẩy nhà sản xuất thay đổi thiết kế để hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ thu gom, tái chế, nên khi xác định Fs phải tính đến các yếu tố này, để Fs thấp hơn chi phí tái chế cơ bản của cùng sản phẩm, bao bì được đưa ra thị trường. Các yếu tố này có thể tính đến việc sử dụng ít vật liệu khác nhau trong cùng sản phẩm, bao bì; dễ dàng phân biệt, phân loại, tách các vật liệu khác nhau ra khỏi sản phẩm, bao bì; màu sắc của sản phẩm, bao bì…
Việc xác định Fs còn phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn sản xuất, tái chế, sự phát triển của hạ tầng tái chế Việt Nam và tuân theo nguyên tắc thị trường. Đây là nguyên tắc định hướng, bảo đảm Fs được sự đồng thuận cao của đa số các nhà sản xuất, nhập khẩu và các nhà tái chế, xử lý. Bởi Fs không chỉ quyết định đến số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp vào Quỹ BVMT mà còn ảnh hưởng lớn đến giá cả thu gom, tái chế trên thị trường trong nước.
Việc xác định Fs đã được Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), Đại học Bách khoa Hà Nội, WWF Việt Nam, IFC Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp và các tổ chức của doanh nghiệp như PRO Việt Nam, Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, Công ty tái chế nhựa Duy Tân; Công ty Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam; Công ty TNHH Tái chế cao su Long Long. Theo đó, Phương pháp xác định Fs được áp dụng dựa trên việc xác định: (i) định mức chi phí thu gom (với biến số liên quan đến tỷ lệ tái chế bắt buộc) cộng với (ii) định mức chi phí tái chế tối thiểu tại nhà máy tái chế:
– Về định mức chi phí tối thiểu tại nhà máy tái chế, đây là chi phí tái chế để đạt được quy cách tái chế tối thiểu quy định tại cột 5 Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Công ty tái chế nhựa Duy Tân đã đưa ra một ví dụ đối với tái chế nhựa PET, chi phí tái chế này chiếm hơn 30% tổng chi phí và mức chi phí này tương đối ổn định, không có biến động nhiều (Bảng 1). Như vậy, có thể xác định định mức chi phí tái chế tại nhà máy một cách dễ dàng và đạt được sự đồng thuận cao từ phía nhà tái chế cũng như nhà sản xuất. Còn đối với chi phí thu gom thì sẽ có sự biến động lớn phụ thuộc vào khoảng cách trong thu gom. Sở dĩ chi phí thu gom PET trong báo cáo của Công ty Duy Tân cũng không có sự biến động nhiều vì lượng phế liệu PET hiện nay tương đối nhiều, có thể thu gom ở vị trí gần khu vực tái chế.
Nguồn: Huỳnh Ngọc Thạch, CEO Công ty Tái chế nhựa Duy Tân
– Để hiểu rõ hơn về sự biến động trong chi phí thu gom, chúng ta xem xét Báo cáo của PRO Việt Nam về vấn đề này. Theo đó, đối với mỗi tỷ lệ tái chế bắt buộc thì chi phí tái chế sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với việc tăng lên của tỷ lệ tái chế bắt buộc. Có thể thấy, với tỷ lệ tái chế bắt buộc đến 10%, tại cột thứ nhất thì chi phí tái chế của PET là 651 VNĐ/kg, chi phí này tăng lên ở các cột tiếp theo vì tỷ lệ tái chế tăng thêm 10% mỗi cột, đến cột 6 với tỉ lệ tái chế bắt buộc là 60% (đây là giả thuyết vì hiện nay tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì PET là 22%) đã tăng lên 6 lần. Theo Báo cáo của PRO Việt Nam, nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng vì phải tìm kiếm vật liệu ở xa khu vực tái chế với địa bàn rộng hơn. Tuy nhiên, có thể tính được là với mỗi 10% tăng thêm thì chi phí thu gom sẽ tăng lên bao nhiêu. Đối với PET thì 10% đầu tiên chi phí tái chế là 651 VNĐ/kg; 10% tiếp theo thì chi phí tái chế là 1.303 VNĐ/kg, như vậy tăng lên 200%; cũng như vậy 10% tiếp theo tăng 300% so với 10% đầu tiên; 10% tiếp theo nữa tăng 400% so với 10% đầu tiên…, do vậy có thể căn cứ vào tỷ lệ phải thu gom để xác định được một cách tương đối chính xác chi phí thu gom (Bảng 2). Đây là một phương pháp có thể cân nhắc để áp dụng, vì nó sẽ tránh được những bất đồng trong xác định Fs vì đây là phương pháp khoa học và thực tế.
Nguồn: Fausto Tazzy, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam
Áp dụng phương pháp trên còn phải chú ý đến thực tê là định mức chi phí tái chế vẫn đang bị chi phối bởi chi phí thu mua phế liệu, nhằm phục vụ hệ thống thu gom tư nhân hiện có. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam so với các hệ thống EPR tại các quốc gia khác, đặc biệt là châu Âu (EU). Trong giai đoạn đầu tiên thực hiện cơ chế EPR, định mức chi phí tái chế vẫn nên xem xét đến cơ cấu giá thành thu mua phế liệu để đảm bảo về mặt an sinh xã hội sự duy trì của hệ thống thu gom. Khi hệ thống phân loại, thu gom chất thải tại nguồn được xây dựng tại các địa phương theo quy định của luật, sẽ có sự điều chỉnh liên quan đến chi phí thu mua phế liệu của nhà tái chế.
Một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp:
Đối với doanh nghiệp sản xuất
EPR, với mục tiêu lớn hơn là tác động làm thay đổi thiết kế sản phẩm, bảo đảm cho việc thu gom, tái sử dụng, tái chế được dễ dàng hơn từ đó giảm bớt chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm mở rộng của mình, thì về lâu dài, doanh nghiệp cần nghiên cứu thay đổi thiết kế sản phẩm của mình, theo đó, có thể loại bỏ các vật liệu không thật sự cần thiết trong việc tạo ra sản phẩm. Ví dụ, nước đóng chai, có thể thiết kế nắp chai lớn hơn và ghi nhãn lên nắp, không cần thiết phải có vật liệu riêng để làm nhãn; có thể bỏ bớt các bao bì trung gian hoặc gia tăng khả năng sử dụng nhiều lần các bao bì để vận chuyển sản phẩm thay vì gắn chặt bao bì trung gian với sản phẩm ….; tăng kích thước của bao bì để có thể dễ dàng thu gom; sử dụng vật liệu bền hơn, dễ bảo trì, bảo dưỡng để kéo dài vòng đời sản phẩm; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường hoặc vật liệu không thuộc diện phải thu gom, tái chế ….
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cần tìm hiểu kỹ quy định EPR hiện hành để xác định những sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu gom, tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc để thực hiện trách nhiệm của mình theo đúng pháp luật. Vì hiện nay, pháp luật đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc việc kê khai và tổ chức thực hiện; cơ quan nhà nước chỉ thực hiện việc hậu kiểm đối với việc thực hiện của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các đơn vị tái chế, bên được ủy quyền để hợp tác thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, bởi theo quy định, đơn vị tái chế phải phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; bên thứ ba phải đáp ứng điều kiện về tư cách pháp nhân; không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền; được ít nhất ba nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý ủy quyền tổ chức tái chế. Đồng thời, cần có khảo sát để bảo đảm, năng lực thu gom và tái chế đáp ứng được tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc, nhất là thời điểm sau khi thực hiện trách nhiệm tái chế, khi mà lượng cầu vật liệu tái chế tăng lên do các doanh nghiệp đồng loạt thực hiện trách nhiệm thu gom và tái chế của mình.
Đối với cơ sở tái chế
Cơ sở tái chế đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường ở nước ta ngày một gia tăng, có thể nhận diện bằng việc có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường. Tuy nhiên, với yêu cầu về sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế ở nước ta, thì việc phát triển cơ sở tái chế có quy mô công nhiệp, chuyên nghiệp và hiện đại là yêu cầu bắt buộc, vì vậy, cần thiết phải đầu tư mới hoặc nâng cấp công nghệ hiện có để một mặt đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, mặt khác phải bảo đảm được quy cách tái chế tối theo quy định tại cột 5 Phụ lục XXII Nghị định 08/2022/NĐ-CP đồng thời có thể tái chế được một khối lượng lớn vật liệu tái theo đặt hàng của nhà sản xuất để thực hiện trách nhiệm của mình.
Đầu ra của sản phẩm tái chế cũng là điều mà cơ sở tái chế cần chú ý, việc tái chế phải đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc, không có nghĩa là có thể dễ dàng trao đổi, mua bán trên thị trường, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, do vậy, cần phải đổi mới công nghệ để có thể tạo ra nhưng sản phẩm tái chế chất lượng, được thị trường chấp nhận, như đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm tái chế; quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa.
Cơ sở tái chế cần gửi đề nghị công bố đơn vị tái chế theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP đến Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách đơn vị tái chế tham gia vào hệ thống EPR, đây không phải là thủ tục hành chính, cũng không phải quy định mang tính bắt buộc đối với doanh nghiệp, nhưng việc công bố danh sách đơn vị tái chế sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến các đơn vị tái chế có đủ điều kiện theo quy định về pháp luật bảo vệ môi trường.
EPR, với một trong những mục tiêu đã đề cập, là tạo ra quỹ tài chính tương đối ổn định để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý, tái chế chất thải; hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, dự thảo Quy chế đã quy định việc hỗ trợ các đơn vị tái chế bằng tiền dựa trên số lượng vật liệu được tái chế từ sản phẩm, bao bì theo những điều kiện nhất định; dự thảo Quy chế cũng quy định việc hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Do vậy, các doanh nghiệp tái chế cần thực hiện các thủ tục cũng như chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng các điều kiện để có thể nhận được những hỗ trợ từ nguồn tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Đối với tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế (bên được ủy quyền)
Bên được nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tuy đây là mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam nhưng đã có nhiều loại hình tương tự tiên phong trong hoạt động này như Công ty CP tái chế bao bì PRO – Việt Nam (PROVN-SE); Việt Nam Tái chế, LAGOM…. Đây là mô hình nhằm tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả thu gom, tái chế thông qua một đơn vị trung gian giữa nhà sản xuất, nhập khẩu với nhà thu gom, tái chế và cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, bên thứ ba sẽ đứng ra thực hiện toàn bộ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu theo ủy quyền để kê khai, báo cáo thực hiện trách nhiệm; tổ chức việc thu gom vật liệu tái chế (bằng cách phối hợp với các tổ chức thu gom, tổ chức lại hệ thống thu gom); tổ chức việc tái chế (bằng cách lựa chọn các nhà tái chế có đủ điều kiện và năng lực tái chế) để từ đó điều phối, bảo đảm thực hiện đúng tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, khi nhận ủy quyền, cần phải lường được năng lực thực tế có thể thu gom và có thể tái chế tránh trường hợp nhận quá nhiều hợp đồng ủy quyền mà không thể tổ chức thực hiện được.
Về lâu dài bên được ủy quyền cần tổ chức mạng lưới thu gom vật liệu tái chế theo địa bàn và theo dòng vật liệu, đồng hành cùng với chính quyền địa phương để hiện đại hóa và hợp lý hóa hệ thống thu gom chất thải rắn sinh hoạt để không chỉ bảo đảm lượng vật liệu thu gom được ổn định tăng dần mà còn bảo đảm chất lượng của vật liệu được thu gom, có như vậy mới đảm bảo được tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc.
Bên được ủy quyền cũng cần gửi đề nghị công bố danh sách bên được ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP đến Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách bên được ủy quyền tham gia vào hệ thống EPR, đây không phải là thủ tục hành chính, cũng không phải quy định mang tính bắt buộc đối với doanh nghiệp, nhưng việc công bố danh sách này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến các đơn vị có thể nhận ủy quyền tái chế có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghiên cứu, khảo sát và đề xuất ban đầu về định mức chi phí tái chế Fs cho sản phẩm, bao bì, 2022, PGS. TS. Nguyễn Đức Quảng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST), Đại học Bách khoa Hà Nội
2. A fact-based proposal for calculating efficient & effective EPR fees to stimulate circular economy models for post-consumed packaging in Vietnam, 2022, Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam.
3. Chi phí tái chế nhựa, 2022, Huỳnh Ngọc Thạch, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân;
4. EPR’s Fee structure, 2022, Recommendation, 2022, Pimkarn Eg-karntrong, Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam
5. Dây chuyền khép kín sản xuất hạt – bột – gạch – cao su tái sinh từ lốp xe phế thải, 2022, Nguyễn Văn Thanh, Công ty TNHH Tái chế cao su Long Long
Nguyễn Thi
Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị