Định hướng xây dựng TCVN về công nghệ trọng yếu, mới nổi (CET)
Các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Úc, Ấn Độ… đã xây dựng và ban hành Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia cho công nghệ CET nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu cũng như bảo vệ công nghệ lõi của quốc gia. Ví dụ, Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia cho công nghệ CET của Hoa Kỳ gồm các lĩnh vực như: Công nghệ truyền thông và mạng; Chất bán dẫn và Vi điện tử, bao gồm Công nghệ Máy tính, Bộ nhớ và Lưu trữ; Trí tuệ nhân tạo và học máy; Cơ sở hạ tầng thông minh và Internet vạn vật; An ninh mạng và quyền riêng tư. Tương tự, Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia cho công nghệ CET của Trung Quốc sẽ tập trung vào các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như 5G, Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Các Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế như: Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) và Uỷ ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) đã xây dựng và ban hành Chiến lược tiêu chuẩn hoá, trong đó, Công nghệ CET là một cấu thành của Chiến lược trên; đồng thời, thành lập Tiểu ban kỹ thuật ISO/IEC JTC 1/SC 42 về AI đã công bố 17 tiêu chuẩn, đang xây dựng 36 tiêu chuẩn; ISO/IEC JTC 1/SC 38 về Điện toán đám mây và hệ thống phân tán đã công bố 26 tiêu chuẩn, đang xây dựng 07 tiêu chuẩn; ISO/IEC JTC 1/SC 41 vê IOT đã công bố 43 tiêu chuẩn, đang xây dựng 03 tiêu chuẩn. Liên minh viễn thông quốc tế ITU cũng đã thành lập các nhóm công tác xây dựng Tiêu chuẩn, khuyến nghị về CET cho AI, thiết bị mạng 5G…Hội Kỹ sư Điện và Điện tử IEEE cũng là tổ chức kỹ thuật tích cực tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn cho các giải pháp của công nghệ CET như: AI, mạng công nghiệp, sản xuất thông minh…
Tại Việt Nam, hiện nay, Chính phủ đã xây dựng và ban hành một loạt các chiến lược, chính sách về CET trong đó ưu tiên công nghệ như một động lực tăng trưởng chính như: Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030… Trong các chiến lược trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ và sản phẩm CET như: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), Công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn, Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên, điện toán sương mù, Công nghệ lượng tử, Công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin tiên tiến, Robotics.
Trong hệ thống TCVN hiện nay có 03 TCVN về Trí tuệ nhân tạo, 32 TCVN về an ninh thông tin, mật mã; 03 TCVN về Dữ liệu lớn; 22 TCVN về điện toán đám mây và internet vạn vật IOT; 10 TCVN về robot công nghiệp. Đây là lĩnh vực đầy tiêm năng nhưng cũng nhiều thách thức đối với các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, viện nghiên cứu, tổ chức liên quan triển khai xây dựng 20 TCVN về trí tuệ nhận tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IOT và robot công nghiệp. Việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN về công nghệ và sản phẩm CET sẽ góp phần quan trọng định hướng, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ CET vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới thay đổi nhanh, khó lường.
Trần Duy Tài – Vụ Tiêu chuẩn