Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thông qua Hội thảo tiếp thu trí tuệ, sự sáng tạo của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, đảng viên, giảng viên các trường Đại học, Học viện, trường Cao đẳng vào xây dựng định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố Hà Nội đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và đất nước, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo sẽ tập trung góp ý các kết quả nghiên cứu bước đầu đối với Quy hoạch Thủ đô của Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô; đề xuất các ý tưởng quy hoạch, phát triển Thủ đô, góp phần cụ thể hoá các nội dung gợi ý của Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tháng 4/2023. Nội dung Hội thảo tập trung vào các vấn đề chính sau:

Thứ nhất, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tập trung làm rõ các điểm đặc thù của Thủ đô, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển, các đặc thù về văn hoá, các đặc điểm địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.

Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; góp phần đánh giá được các kết quả đã đạt được và xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.

Thứ ba, gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung gợi ý các quan điểm phát triển Thủ đô, mục tiêu phát triển Thủ đô, các khâu đột phá; các phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các giải pháp thực hiện Quy hoạch theo một số nội dung quan trọng định hướng phát triển Thủ đô đã được các chuyên gia nghiên cứu, gợi ý như sau:

Về quan điểm chung phát triển Thủ đô:

– Phát triển Thủ đô Hà Nội “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, Thủ đô của đất nước trên 100 triệu dân, đến năm 2030 cơ bản thành nước công nghiệp, thu nhập trung bình cao; Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu; là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế. Phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; an ninh, an toàn. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

– Phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

– Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn, là vùng động lực phát triển, 1 trong 2 cực tăng trưởng của vùng và cả nước,  có sức lan toả mạnh để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

– Văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển Thủ đô. Nguồn lực văn hoá và con người Hà Nội, nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên số là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

– Mục tiêu cuối cùng là phục vụ Nhân dân, vì cuộc sống phồn vinh hạnh phúc của người dân. Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; tư duy đổi mới sáng tạo và sẻ chia.

Về quan điểm về tổ chức không gian: 3 quan điểm chính; 5 không gian

1. Hài hoà, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến;

2. Mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng;

3. Các nội dung quan trọng về tổ chức không gian phát triển: các chuyên gia gợi ý định hướng nghiên cứu các nội dung sau:

– 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai);

– 3 tuyến hành lang kinh tế: hành lang (Côn Minh, Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh; hành lang Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội; hành lang Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Bắc Giang – Bắc Ninh – Hà Nội;

– 4 không gian chú trọng phát triển: không gian số (môi trường quan trọng trong thời đại mới); không gian văn hoá (mở rộng không gian để khai thác hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô); không gian ngầm; không gian công cộng, chú trọng không gian xanh, đặc biệt là mặt nước sông, hồ.

– 5 trục phát triển quan trọng: Trục sông Hồng (Là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); Trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại) và Trục Nhật Tân – Nội Bài (Trục đô thị thông minh – đối ngoại); Trục liên kết phía Nam (trục liên kết Vùng) và trục Hồ Tây – Cổ Loa (trục không gian văn hóa);

– 5 tuyến vành đai đô thị, cùng với các trục giao thông hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên các không gian phát triển mới của Thủ đô. 

Về hình ảnh Thủ đô trong tương lai:

– Thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số.

– Thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; hệ thống cây xanh và mặt nước là điểm nhấn tiêu biểu của đô thị; trung tâm khoa học công nghệ – giáo dục đào tạo, chuyển đổi số của cả nước; chính quyền số, xã hội số, công dân số; người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

– Thành phố đặc sắc, là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; Thành phố của các sự kiện quốc tế thường niên, thành phố sáng tạo;

– Thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ – kết tinh – lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Dự kiến, hơn 350 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Đại biểu thành phố Hà Nội có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các ban Đảng của Thành uỷ, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý tưởng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 Đại học, trường đại học, Cao đẳng và Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc tổ chức được buổi Hội thảo này cũng chính là điểm đặc thù, thuận lợi riêng có của Thủ đô Hà Nội đối với việc huy động nguồn lực chất xám ngay tại địa bàn Thủ đô cho công tác Quy hoạch Thủ đô nói riêng và phát triển Thủ đô nói chung.

Với quyết tâm thể hiện rõ nét thêm những điểm mới, những đột phá và khát vọng phát triển Thủ đô trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Tổ chức hội thảo mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết cho ý tưởng phát triển Thủ đô Hà Nội.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích