Định hướng đảm bảo đo lường trong ngành nước
Tham dự hội thảo có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Uỷ ban, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, ông Kim Đức Thụ – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 (Quatest 1), bà Hạ Thanh Hằng – Phó chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam; đại diện Cục Hạ tầng kĩ thuật – Bộ Xây dựng cùng đại diện các doanh nghiệp cấp nước tại TP.HCM, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh; công ty kinh doanh nước sạch, tổ chức nhập khẩu sản xuất nước miền bắc và lãnh đạo các đơn vị trong Uỷ ban tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, từ năm 2021 Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia đã xác định hoạt động đo lường cần có sự chuyển biến, thay đổi và kiểm soát tốt hơn. Chính vì vậy, Uỷ ban đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018) về chương trình nâng cao năng lực đo lường cho doanh nghiệp. Uỷ Ban đã trình Bộ để báo cáo và có chương trình đảm bảo đo lường.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.
Trên tinh thần đảm bảo đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kí quyết định ban hành danh mục các ngành, lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực ưu tiêu thực hiện có ngành kinh doanh nước sạch, mục đích để phục vụ tốt cho người dân, xã hội. Làm sao cung cấp đủ nước, cung cấp nước sạch cho người dân và ngành nước là một trong những nội dung quan trọng trong đảm bảo đo lường đối với Uỷ ban.
“Định hướng đảm bảo đo lường trong ngành nước là rất quan trọng. Chúng ta làm tốt nhưng đôi lúc chưa chứng minh được cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng, rõ ràng vấn đề này đòi hỏi phải có cách thức thực hiện, quản lý mới. Nhận thức được nếu quản lý nhà nước không kịp thời chung tay thì đâu đó sau này hoạt động của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển”, TS. Hiệp nhấn mạnh.
Ngành đo lường trước đây là ngành đặc thù, tuy nhiên, hiện nay được đặt trong khái niệm mới, khuôn khổ mới. Chúng ta đang đề xuất đưa vào Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nước sạch hay nước sinh hoạt không chỉ đảm bảo đo lường mà còn là chất lượng nước. Muốn chất lượng nước tốt phải quan tâm đầu tiên đến vấn đề tiêu chuẩn, tiếp đến là các hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm, giám định.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết: Đề án 996 với mục tiêu chung tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường.
Về nhiệm vụ, giải pháp, thứ nhất là sửa đổi chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; thứ hai là tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; thứ ba là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; thứ tư là triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; thứ năm là tăng cường hợp tác quốc tế; thứ sáu là tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông.
Thời gian qua, việc triển khai Đề án 996 đã đạt một số kết quả như: 55/63 tỉnh, thành phố, 03 Bộ có kế hoạch Đề án 996; năm 2023 có 14 khóa đào tạo về chương trình đảm bảo đo lường; 739 học viên của 63 địa phương và 13 doanh nghiệp; cấp mã cho 111 chuyên gia tư vấn; tổ chức gần 80 hội thảo, hội nghị tuyên truyền Đề án 996; hơn 11 nghìn doanh nghiệp thực hiện đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định; đưa trên 170 tin tức, bài viết, phóng sự; 60 tổ chức, doanh nghiệp đã phê duyệt chương trình đảm bảo đo lường.
Cũng theo ông Giầu, về kết quả đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định đồng hồ nước năm 2023, có 125 tổ chức được chỉ định kiểm định đồng hồ đo nước lạnh, trong đó 976.736 đồng hồ nước đã được kiểm định, có 949.683 chiếc đạt và 27.053 chiếc không đạt.
Trước nhu cầu đảm bảo đo lường đối với phương tiện đo, phép đo các chỉ tiêu chất lượng nước, năng lực kiểm định đồng hồ nước cỡ lớn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và chuyển đổi số về đo lường trong ngành nước cần triển khai Chương trình đảm bảo đo lường trong ngành nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã có tham luận liên quan đến triển khai đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp cấp nước do đại diện Quatest 1 trình bày; Kết quả xây dựng và bước đầu triển Chương trình đảm bảo đo lường tại Công ty Cổ phần cấp nước Bắc Giang; Công tác đo lường tại Công ty CP nước sạch Quảng Ninh.
Các đại biểu trao đổi tại phần thảo luận.
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.
Hà My