Định hướng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dân số và phát triển giai đoạn 2021 – 2030
Định hướng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dân số và phát triển giai đoạn 2021 – 2030
Hội thảo “Định hướng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dân số và phát triển giai đoạn 2021-2030” nhằm góp phần thực hiện thành công Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030” đã được ban hành tại Quyết định số 314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/2/2020.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Phạm Vũ Hoàng cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì hơn 13 năm qua, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người; cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007 nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.
Năm 2019, dân số Việt Nam đạt 96.2 triệu người; Tổng tỷ suất sinh đạt 2.09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,8%. Cả nước có 723.000 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, gần 470.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; chất lượng dân số từng bước được nâng lên; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; hơn 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế;…
Tiến Sĩ Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHG phát biểu khai mạc Hội thảo
Có được những thành tựu trên phải kể đến những đóng góp to lớn của các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu viên, các nhà lãnh đạo, quản lý trong việc phát hiện, cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp giúp cho công tác hoạch định chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chương trình DS-KHHGĐ đi đúng hướng và đạt được các kết quả đáng mừng trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, công tác dân số hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Mức sinh giữa các vùng, miền còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức nghiêm trọng; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp; tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước; công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao…
Để giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số trong tình hình mới với quan điểm chuyển trọng tâm từ Dân số – KHHGĐ sang Dân số và phát triển, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phát triển mạng lưới nghiên cứu về dân số và phát triển.
Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Cao Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 28/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030”.
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu chào mừng Hội thảo
Kế hoạch có mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường tiềm lực nghiên cứu về Dân số và Phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao trình độ nghiên cứu chuyên sâu, đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu toàn diện về dân số và phát triển để cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, có việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về Dân số và Phát triển thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về Dân số và Phát triển cho cán bộ nghiên cứu, quản lý trong lĩnh Y tế – Dân số.
Cùng bàn thảo về công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Dân số và Phát triển trong thời gian tới, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành đã đưa ra nhiều định hướng từ các vấn đề tổng quan đến việc nghiên cứu từng khía cạnh của công tác dân số.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết: Do trình độ phát triển và thực trạng dân số ở các vùng, khác địa phương rất khác nhau nên các địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW (6 tiêu chí: Mức sinh; tỷ số giới tính khi sinh; cơ cấu dân số vàng; già hóa dân số; phân bổ và nâng cao chất lượng dân số) sao cho hợp lý và hiệu quả. Kế hoạch hóa có lồng ghép biến dân số không phải là một quá trình mới, không phải là phương pháp kế hoạch mới mà nó là một quá trình kế hoạch bình thường như vẫn làm nhưng có tính đến yếu tố dân số.
Cũng theo GS Cử, khi phân tích thực trạng phát triển, việc lồng ghép Dân số và Phát triển yêu cầu phải gắn kết quá trình phát triển vào từng nhóm đối tượng dân số cụ thể. Các đề tài nghiên cứu cần đi sâu vào những vấn đề cụ thể về công tác dân số tại từng địa phương, tránh làm ồ ạt, đại trà hoặc giống nhau giữa các tỉnh, sẽ khó thu được kết quả tốt nhất cho các địa phương. Chẳng hạn, ở những địa phương có mức sinh cao, xu hướng tiếp tục tăng sinh, các đề tài nghiên cứu phải “đánh trúng” vào khía cạnh này, đề xuất giải pháp đưa mức sinh về mức sinh thay thế, từ đó mới đem lại hiệu quả thực tiễn cao.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe nhiều phần trình bày về công tác nghiên cứu các vấn đề quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới như: Nhu cầu sinh con của người dân Việt Nam, định hướng chính sách trong thời gian tới; Định hướng nghiên cứu khoa học phục vụ Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Nghiên cứu khoa học để triển khai hiệu quả chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Già hóa dân số, người cao tuổi và một số đề xuất nghiên cứu…
Để thực hiện tốt được những việc này, Kế hoạch cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về Dân số và Phát triển thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về Dân số và Phát triển cho cán bộ nghiên cứu, quản lý trong lĩnh Y tế – Dân số. Bên cạnh đó, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu về Dân số và Phát triển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu về Dân số và Phát triển…
Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước về Dân số và Phát triển. Tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa Dân số và Phát triển phục vụ xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế – xã hội địa phương và quản lý điều hành công tác dân số. Phát triển công nghệ y – sinh học nhằm tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực và thế giới; dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Tiến hành nghiên cứu toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số và quan hệ, tác động của dân số với phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng về các mặt: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hài hoà, hợp lý; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; nâng cao chất lượng dân số…Cùng với đó, ngoài việc tập trung ưu tiên nghiên cứu ứng dụng thực tiễn cụ thể của từng địa phương, chúng ta cũng không thể bỏ qua những công trình nghiên cứu cơ bản về các vấn đề liên quan đến dân số để đảm bảo công tác dân số được quan tâm một cách toàn diện nhất
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và trao đổi, thảo luận với nội dung toàn diện về các vấn đề dân số và phát triển nổi bật hiện nay như Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển; Già hóa dân số và các vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam; Ứng dụng KHCN hiện đại, CNTT trong triển khai, quản lý các dịch vụ dân số; Nhu cầu sinh con của người dân Việt Nam, định hướng chính sách trong thời gian tới; Định hướng NCKH phục vụ chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Triển khai hiệu quả chương trình mở rộng, tầm soát, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.
Hội thảo nói riêng và việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dân số và phát triển nói chung được coi là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp giúp hoạch định chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các chương trình, kế hoạch về dân số và phát triển. Do đó, cần nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để đề ra định hướng đúng đắn và sử dụng có hiệu quả các đề tài, công trình nghiên cứu trong việc giải quyết các vấn đề dân số và phát triển, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.