Định hình lại chế độ kế toán hành chính sự nghiệp từ ngày 1/5/2024

Định hình lại chế độ kế toán hành chính sự nghiệp từ ngày 1/5/2024
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn mới nhất về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/5/2024. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Thông tư 24/2024/TT-BTC ban hành ngày 17/4/2024 được áp dụng cho rộng rãi các đối tượng như sau:

Cơ quan nhà nước (trừ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sử dụng ngân sách cấp xã);

Đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp; tuy nhiên trường hợp các đơn vị này được bố trí dự toán ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí trong nước, tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước, tiếp nhận kinh phí vay nợ nước ngoài theo dự án, có phát sinh kinh phí từ nguồn phí được khấu trừ, để lại theo pháp luật phí, lệ phí, thì phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BTC);

Tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức, cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; Tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao quản lý và ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp áp dụng các tài khoản ngoài bảng quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC để ghi sổ kế toán; trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì hạch toán theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác không phải là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có thể áp dụng chế độ kế toán này phù hợp với hoạt động của mình.

* Đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc và đầu mối chỉ tiêu:

– Đơn vị kế toán là đơn vị thuộc đối tượng áp dụng tại Điều 2 Thông tư 24/2024/TT-BTC có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, mở sổ kế toán, hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC.

– Tùy theo quy mô tổ chức bộ máy và tính chất hoạt động, đơn vị kế toán có thể tổ chức các đơn vị hạch toán phụ thuộc, đầu mối chi tiêu trực thuộc đơn vị đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả.

+ Đơn vị hạch toán phụ thuộc là đơn vị cấp dưới của đơn vị kế toán, được thực hiện một số công việc kế toán nhất định theo sự phân công của đơn vị kế toán, cuối kỳ phải cung cấp thông tin, số liệu cho đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này.

+ Đầu mối chi tiêu là đơn vị cấp dưới của đơn vị kế toán, không thực hiện công việc kế toán. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh tại đầu mối chi tiêu đều phải được hạch toán, ghi sổ kế toán tập trung tại đơn vị kế toán. Việc lập và luân chuyển chứng từ kế toán của đầu mối chi tiêu thực hiện theo hướng dẫn của đơn vị kế toán.

Thông tư 24/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và thay thế các thông tư sau:

– Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;

– Thông tư 108/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia;

– Thông tư 76/2019/TT-BTC về hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi;

– Thông tư 79/2019/TT-BTC về hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Kim Quyên

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích