Dinh dưỡng cho người bệnh lao phổi
Dinh dưỡng cho người bệnh lao phổi
Chế độ dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng, có khả năng hỗ trợ cho quá trình điều trị và phục hồi tổn thương ở phổi.
Bệnh lao phổi nên ăn gì?
Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn xâm nhập và phá hủy các mô của phổi. Vì vậy, người bệnh cần tiêu thụ những thực phẩm có tác dụng diệt khuẩn, kháng trùng, tăng cường hệ miễn dịch và làm lành các mô phổi bị tổn thương.
Những loại quả tốt cho người bệnh lao phổi
Người bị bệnh lao phổi cần bổ sung nhiều các vitamin như C, A, E, B vì chúng có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch cũng như tái tạo các tế bào bị tổn thương. Các loại vitamin này được tìm thấy nhiều nhất trong các loại quả như cam, chanh, xoài, dâu tây, đu đủ, ổi…
Chúng cũng chứa một lượng đường vừa đủ để cơ thể hấp thụ cho gan thải độc do tác dụng phụ của thuốc. Đặc biệt, đường tự nhiên trong hoa quả không làm cho tế bào bạch cầu bị hạn chế khả năng diệt khuẩn như trong đường tinh luyện.
Ngoài ra, chuối, bơ… là những loại quả giàu kali, giúp giảm xuất hiện và tăng sinh các tế bào khỏe mạnh. Nhóm thực phẩm chứa kali đặc biệt tốt đối với bệnh nhân bị lao màng phổi.
Bệnh nhân lao phổi nên ăn rau gì?
Rau xanh giàu chất xơ và cung cấp nhiều khoáng chất vi lượng và đa lượng tham gia vào quá trình trao đổi chất, tăng cường khả năng miễn dịch và hạn chế các bệnh truyền nhiễm. Với bệnh nhân bị lao phổi dễ bị rối loạn tiêu hóa, chất xơ sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột, hạn chế táo bón và tiêu chảy.
Hầu hết các loại rau xanh đều tốt cho bệnh nhân bị lao phổi nhưng các loại rau thuộc họ nhà cải sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết nhất. Bệnh nhân nên ăn nhiều loại rau như súp lơ, cải ngọt, rau bina, hành…
Bệnh lao phổi nên uống gì?
Phổi bị tổn thương khiến cho hệ hô hấp cũng như tiêu hóa hoạt động khó khăn hơn. Người bệnh lao cần thường xuyên bổ sung dinh dưỡng qua đường uống để tránh bị suy nhược cơ thể. Sữa ít béo và các chế phẩm của nó là thức uống dễ hấp thụ và cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng phong phú như sắt, canxi, vitamin D… Vì vậy thức uống này rất tốt cho người bị lao phổi.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một số loại trà thảo mộc hỗ trợ tốt cho các vấn đề sức khỏe như:
- Trà hoa cúc chứa nhiều chất chống viêm
- Trà atiso giải độc gan
- Trà cam thảo tăng cường sức đề kháng
- Trà cỏ ngọt bồi bổ khí huyết
- Trà hoa lài giảm ho
Người bệnh lao phổi nên ăn ngũ cốc nguyên hạt
Phần lớn người bệnh lao phổi đều gặp vấn đề hấp thụ kém dẫn đến thiếu chất. Bởi thể trạng của người bệnh yếu và thuốc điều trị lại đi kèm nhiều tác dụng phụ, nhất là với dạ dày. Người bệnh nên chú ý bổ sung nhóm thực phẩm chứa nhiều tinh bột, nhất là loại tinh bột tốt có trong ngũ cốc nguyên hạt, để tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt cũng cung cấp phong phú các dưỡng chất thiết yếu nhất với người bị lao phổi như chất xơ, vitamin và khoáng chất, selen và kẽm. Thay vì ăn nhiều cơm, bánh mì từ gạo trắng, người bệnh có thể tăng cường bổ sung:
- Bánh mì làm từ các loại hạt (lanh, hạnh nhân, hạt quinoa), lúa mạch
- Bún nưa, mì nưa
- Các món chè thanh đạm từ đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ
- Yến mạch nguyên hạt, vừng đen
Bị bệnh lao phổi nên ăn thực phẩm giàu kẽm và selen
Do tác dụng phụ của thuốc điều trị lao phổi, người bệnh rất dễ thiếu hụt trầm trọng kẽm, từ đó cảm thấy chán ăn và suy giảm miễn dịch. Đối với bệnh nhiễm khuẩn như lao phổi, thiếu hụt kẽm sẽ gây nhiều khó khăn trong điều trị. Hải sản, đậu hà lan, nấm, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc… là những thực phẩm chứa nhiều kẽm nhất.
Bệnh lao phổi kiêng ăn gì?
Những thực phẩm có khả năng gây dị ứng, kích thích đường hô hấp cần được hạn chế tối đa. Người bệnh cũng cần tuyệt đối tránh xa những đồ ăn thức uống chứa các chất gây tổn thương mô phổi.
Bệnh lao phổi nên kiêng uống gì?
Rượu và bia là hai loại đồ uống rất độc hại đối với sức khỏe. Ở bệnh nhân bị lao phổi, việc sử dụng rượu bia có thể giảm tác dụng điều trị và tăng các tác dụng phụ của thuốc. Các chất kích thích có trong rượu bia cũng gây hại cho gan khiến quá trình thải độc trở nên khó khăn hơn. Người bệnh nên kiêng rượu bia trong suốt quá trình điều trị và sau 3-6 tháng khi đã hồi phục bệnh để tránh tái phát.
Ngoài ra, trà xanh đặc và cafe cũng chứa nhiều chất caffeine khiến cho người bệnh dễ bị mất ngủ. Người bị lao phổi không chỉ cần chỉ cần một chế độ dinh dưỡng lành mạnh mà còn cần nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 8 tiếng/ngày.
Bệnh lao phổi không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn
Người trung niên và người cao tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh lao phổi. Nhóm đối tượng này cần hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn vì chúng chứa rất nhiều dầu mỡ hoặc có hàm lượng muối cao.
Các món ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên… chứa nhiều chất béo không lành mạnh, tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Trong khi đó các loại thực phẩm đóng hộp như rau củ quả muối, xúc xích, thịt xông khói… thường chứa hàm lượng muối lớn gây hại cho sức khỏe của người già.
Bị bệnh lao phổi không nên ăn cay nóng
Các thực phẩm cay nóng có thể kích thích đường hô hấp, khiến triệu chứng ho trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân bị ho dai dẳng sẽ đau tức ngực nhiều hơn và dễ bị khạc đờm ra máu. Người bị lao phổi hãy hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều ớt, gừng, hạt tiêu… trong quá trình điều trị bệnh.
Lưu ý quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người bị lao phổi
Người bị lao phổi có thể trạng và hệ miễn dịch rất yếu, tiêu hóa kém nên cơ thể thường suy nhược. Trong quá trình điều trị, gan và hệ miễn dịch lại bị tổn thương nhiều hơn do tác dụng phụ của thuốc. Chính vì vậy, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ gan là vô cùng cần thiết.
Thực tế, chế độ dinh dưỡng tốt nhất đối với người bị lao phổi là cân bằng được bốn nhóm thực phẩm đường – đạm – chất béo – vitamin và khoáng chất, đồng thời điều chỉnh sao cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
Chẳng hạn như ở giai đoạn cấp, bệnh nhân cần tiêu thụ các thực phẩm lỏng và không gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Trong quá trình điều trị thì cần cung cấp đủ năng lượng với các thực phẩm chứa tinh bột tốt và có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Ở giai đoạn hồi phục thì nên tăng tỉ lệ chất đạm và chất xơ.
Người bệnh có thể tham khảo cách xây dựng thực đơn như sau:
- Bữa sáng: Một bữa ăn nhẹ như cháo thịt nạc hoặc cháo yến mạch, phở, bún, bánh mì làm từ ngũ cốc…
- Bữa trưa: Cơm cùng với một trong những món ăn chế biến từ thịt gà, thịt lợn nạc, cá… và nhiều rau xanh
- Bữa tối: Không nên ăn quá nhiều gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Chỉ nên ăn một bát cơm cùng với nhiều rau xanh và một ít thức ăn mặn.
- Bữa phụ sáng hoặc bữa phụ chiều: Uống sữa, trà thảo dược hoặc ăn sữa chua, hoa quả
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị