Định danh dữ liệu đất đai để minh bạch thị trường bất động sản

Tổ công tác triển khai Đề án 06 nhận định cần thiết phải định danh số nhà và triển khai Sàn giao dịch Bất động sản Quốc gia, cho phép định danh cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giao dịch.

Định danh dữ liệu đất đai để minh bạch thị trường bất động sản
Định danh số nhà nhằm góp phần minh bạch thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ngày 2/11, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) thông tin về việc ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, nâng cao công tác quản lý, minh bạch thị trường bất động sản.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06) cho biết tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản có những diễn biến phức tạp, để minh bạch thị trường bất động sản cần phải định danh số nhà và triển khai Sàn giao dịch Bất động sản Quốc gia.

Do đó, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Đồng thời, tích hợp tài khoản định danh điện tử cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với hệ thống Sàn giao dịch Bất động sản Quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, ngân hàng; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID.

Những công việc này nhằm nâng cao công tác quản lý, minh bạch thị trường bất động sản.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, thời gian qua, các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… diễn biến phức tạp. Nhiều đại án liên quan đến thị trường bất động sản, lợi dụng những dự án bất động sản để thực hiện hành vi phạm tội.

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) ngày 31/10, một số đại biểu Quốc hội đã cho rằng hành vi thao túng bất động sản nguy hiểm không kém thao túng chứng khoán.

Việc thao túng, thổi giá bất động sản, nhà đất dưới nhiều hình thức khác nhau xảy ra rất tinh vi, tạo thành “bong bóng” bất động sản tiềm ẩn nguy hiểm.

Trên cơ sở đó, Bộ Công an đánh giá việc triển khai xây dựng, hoàn thiện giải pháp ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay; nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện ứng dụng VNelD tích hợp các tiện ích quản lý xã hội… là vô cùng cấp thiết. Điều này góp phần minh bạch thị trường bất động sản.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, để minh bạch thị trường bất động sản, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhận thấy cần thiết phải định danh số nhà và triển khai Sàn giao dịch Bất động sản Quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giao dịch.

Theo đề xuất, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà để Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ.

Ngoài ra, triển khai hệ thống Sàn giao dịch Bất động sản Quốc gia tích hợp với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở Dữ liệu Đất đai Quốc gia.

Tổ công tác triển khai Đề án 06 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương số hóa và hoàn thiện Cơ sở Dữ liệu Đất đai Quốc gia, phối hợp với Bộ Công an rà soát, làm sạch dữ liệu thông tin về chủ sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam rà soát lại các trường thông tin cần thiết để định danh một địa chỉ số; đẩy nhanh tiến độ cung cấp dữ liệu địa chỉ số quốc gia.

Ngày 28/10, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Hai đơn vị đã thống nhất nghiên cứu, xem xét để ứng dụng, tích hợp nền tảng địa chỉ số, bản đồ số của Bưu điện Việt Nam vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động khác của Cục.

Trong khuôn khổ Đề án 06, Bộ Công an xem xét việc chia sẻ thông tin, dữ liệu dân cư, đất đai, nhà ở, cơ sở y tế… dưới dạng dịch vụ dữ liệu (API) cho Bưu điện Việt Nam để sử dụng cho các dịch vụ công trong trường hợp cần thiết.

Việc thu thập, tạo lập và chia sẻ dữ liệu có liên quan được các đơn vị thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích