Điều kiện về thu nhập để được mua nhà ở xã hội

Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình

Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, với nhiều quy định quan trọng, nhằm hướng dẫn Luật Nhà ở sửa đổi sắp có hiệu lực thi hành.

Đáng quan tâm là các quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó, điều kiện về nhà ở là: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.

Trường hợp thứ hai là có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15m2 sàn/người.

Về thu nhập, với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở, dự thảo nêu rõ phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận; thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Điều kiện về thu nhập để được mua nhà ở xã hội
Theo dự thảo, diện tích sử dụng mỗi căn hộ chung cư là nhà ở xã hội tối thiểu là 25m2 (Ảnh minh họa: theo VGP)

Khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở quy định cụ thể các đối tượng được ưu đãi về nhà ở xã hội gồm:

– Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

– Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ, người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Với hộ gia đình nghèo, cận nghèo, để được hưởng ưu đãi về nhà ở xã hội, phải đáp ứng quy định về hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.

Diện tích sử dụng căn hộ tối thiểu là 25m2

Dự thảo cũng quy định cụ thể nhà ở xã hội là căn hộ chung cư được đầu tư xây dựng theo dự án phải được thiết kế, xây dựng khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo quy định của pháp luật. Diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2, tối đa là 70m2, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ được đầu tư xây dựng theo dự án thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2,0 lần.

Với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân thì phải đảm bảo các quy định sau: Nếu nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên thì phải đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Nhà ở; trường hợp nhà ở có từ 2 tầng trở lên và quy mô dưới 20 căn hộ thì phải đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 57 của Luật Nhà ở.

Trường hợp xây dựng dãy nhà ở 1 tầng để cho thuê thì phải xây dựng khép kín (có phòng ở riêng, khu vệ sinh riêng) theo tiêu chuẩn xây dựng; diện tích sử dụng bình quân cho mỗi người để ở không nhỏ hơn 5m2 (không tính diện tích khu phụ).

Đồng thời, phải đáp ứng các quy định về chất lượng công trình xây dựng từ cấp IV trở lên theo pháp luật về xây dựng; bố trí mặt bằng xây dựng nhà ở và các hạng mục công trình xây dựng khác trong dãy nhà ở 1 tầng khu đất phải bảo đảm điều kiện giao thông thuận lợi, vệ sinh môi trường và điều kiện khắc phục sự cố (cháy, nổ, sập đổ công trình…).

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích