Điều kiện thuê nhà ở xã hội của sinh viên theo Luật Nhà ở 2023
(Xây dựng) – Ngày 1/1/2025, Luật Nhà ở 2023 được áp dụng vào cuộc sống và bổ sung thêm đối tượng học sinh, sinh viên được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Vậy sinh viên cần đáp ứng những điều kiện gì để hưởng chính sách này?
Học sinh, sinh viên đại học có thể thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập mà không cần đáp ứng điều kiện gì theo quy định của pháp luật, tuy nhiên mỗi đối tượng tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội. |
Luật Nhà ở 2023 không có quy định về việc học sinh, sinh viên đại học được Nhà nước hỗ trợ mua nhà ở xã hội, mà chỉ quy định học sinh, sinh viên đại học được Nhà nước hỗ trợ cho thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập.
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 76 Luật nhà ở năm 2023:
“Điều 76. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
11. Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.
Những đối tượng này được hỗ trợ thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập theo quy định tại Khoản 6 Điều 77 Luật này.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 78 Luật Nhà ở năm 2023, học sinh, sinh viên đại học nếu thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này. Khoản 9 Điều 78 quy định Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành mẫu giấy tờ chứng minh là học sinh, sinh viên đại học; ban hành mẫu giấy tờ chứng minh điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Căn cứ quy định tại Khoản 7 Điều 88 Luật Nhà ở năm 2023, đối tượng là học sinh, sinh viên đại học tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội.
Việc Nhà nước hỗ trợ học sinh, sinh viên thuê nhà ở xã hội giúp tạo ra một môi trường học tập công bằng hơn, giảm bớt khó khăn tìm nhà trọ cho sinh viên đến từ các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Điều này giúp mọi sinh viên có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách công bằng, không phụ thuộc quá nhiều vào tài chính gia đình.
Một môi trường sống ổn định và an ninh có thể có ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất học tập và sức khỏe tinh thần của sinh viên. Việc có nhà ở xã hội giúp đảm bảo rằng sinh viên có một nơi ổn định để sinh sống trong suốt thời gian học tập của mình.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc triển khai chính sách nhà ở xã hội cần phải được thực hiện một cách cẩn thận và có hiệu quả. Cần có các biện pháp kiểm soát và giám sát để đảm bảo rằng nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất và đảm bảo rằng các học sinh, sinh viên thực sự có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở sẽ được hưởng chính sách này.
Nguồn: Báo xây dựng