Điều kiện, hồ sơ khi thế chấp sổ đỏ

(Xây dựng) – Theo quy định của pháp luật, thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất. Để tránh tranh chấp và những rủi ro khác xảy ra người dân cần nắm rõ những quy định, điều kiện về thế chấp sổ đỏ.

Điều kiện, hồ sơ khi thế chấp sổ đỏ
Thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất.

Điều kiện thế chấp

Đất, nhà ở được dùng để thế chấp cần đáp ứng các điều kiện:

– Đất, nhà ở không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa hay phá dỡ theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.

– Đất đai, nhà ở không thuộc diện tranh chấp, khiếu nại hoặc khiếu kiện về quyền sở hữu.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.

– Đất, nhà ở không thuộc diện bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều kiện khi vay vốn

Ngoài điều kiện về quyền sử dụng đất, để ngân hàng duyệt khoản vay sau khi người vay đăng ký thế chấp, người vay còn phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 7 Thông tư 39 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước.

Để thế chấp sổ đỏ, nếu là cá nhân thì phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.

Ngân hàng cũng sẽ có những điều kiện cụ thể khi khách hàng vay vốn, cụ thể:

– Vay vốn nhằm mục đích hợp pháp.

– Phương án sử dụng vốn phải khả thi.

– Khách hàng bắt buộc phải có khả năng tài chính để trả các khoản nợ đã vay của ngân hàng.

Vì thế, khi vay vốn bằng hình thức thế chấp quyền sử dụng đất thì cả điều kiện về tài sản và điều kiện về người vay đều phải đáp ứng điều kiện của ngân hàng.

Hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

– Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (01 bản chính).

– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

– Bản chính Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).

– Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).

– Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau đây:

+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích