Điều hành linh hoạt tín dụng, tỉ giá để giảm sức ép lạm phát
Theo các chuyên gia kinh tế, dù lạm phát ở các nước trên thế giới đang tăng cao nhưng lạm phát của Việt Nam chưa quá đáng lo nhờ những biện pháp kìm giá kịp thời của Nhà nước trong 6 tháng qua.
Các loại rau củ, quả, thực phẩm tươi sống đã thiết lập mặt bằng giá mới theo giá xăng tăng. |
Mặt bằng giá trong tầm kiểm soát
Vừa qua, việc giá xăng dầu liên tục tăng cao cùng với sự đứt gãy nguồn cung toàn cầu, vô hình chung đẩy giá cả hàng hóa tăng cao. Để chặn đà tăng giá, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam buộc phải tính toán làm sao hạn chế những chi phí đầu vào không cần thiết, đa dạng nguồn cung…
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, để tự cứu mình, DN dệt may chỉ còn cách kiểm soát chi phí đầu vào bằng việc tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ; nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường để đầu tư có chọn lọc, không đầu tư dàn trải. Ngoài ra, DN tiếp tục đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng cường kết nối, sáng tạo giữa các DN, các tham tán nước ngoài để mở rộng thị trường mới.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. CPI tháng 6 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 3,2% so với tháng 12/2021 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,3%. Trước tình hình trên, đại diện các sở, ngành tại các địa phương mong muốn có chính sách quản lý giá hiệu quả để tránh nguy cơ lạm phát tăng cao.
Các doanh nghiệp sản xuất cần hỗ trợ về vốn, chính sách để khôi phục sản xuất hoàn toàn trong 6 tháng cuối năm. |
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phân tích, nền kinh tế thế giới đang có nhiều nguy cơ, thách thức với nhiều đánh giá có tính bi quan nhất đang lộ diện, nhất là nguy cơ lạm phát tăng cao thể hiện rất rõ. Đây là một thảm họa khủng hoảng kép năng lượng (năng lượng cho nền kinh tế – dầu khí và năng lượng cho cho người – lương thực). Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo trên thế giới cũng đang diễn ra xung đột, cùng với đó dịch chuyển các sức mạnh trên thế giới cũng đang diễn ra nhanh. Theo đó, Việt Nam cũng ít nhiều cũng bị tác động.
Nhìn nhận về nguy cơ lạm phát tăng, ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm tiêu dùng phục hồi nhưng chậm; du lịch và lưu trú vẫn phục hồi nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Về sức mua, hiện nay chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với trước đây. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nên lạm phát có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Dự đoán, lạm phát năm 2022 tăng 3,8 – 4,2%, nghĩa là tăng gấp đôi năm 2021.
Trong khi đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long, mặc dù lạm phát ở các nước trên thế giới dự báo có tăng cao nhưng tại Việt Nam có thể chặn được đà tăng này khi mặt bằng giá ở trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.
“Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách kìm chế giá hỗ trợ DN sản xuất được ban hành kịp thời, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4…”, ông Ngô Trí Long lý giải.
Nhiều biện pháp kìm chế giá
Đồng quan điểm và tỏ ra khá lạc quan về tình hình kinh tế, đặc biệt là vấn đề về lạm phát của Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright cho rằng, lạm phát Việt Nam không quá lo. Theo thống kê, các nước lạm phát trên 8%, trong khi đó ở Việt Nam chỉ 2,9%. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định, kể cả những cuộc khủng hoảng mới đây nhất là năm 2008 – 2009, trước đó là năm 1997 – 1998.
“Hiện nay, tình hình lạm phát ở Việt Nam chưa thật sự lo ngại nhưng cũng thận trọng vì độ trễ thị trường, tăng trưởng của Việt Nam chưa cao. Ngoài ra, Việt Nam là nước xuất khẩu thực phẩm chứ không phải là nhập khẩu thực phẩm nên không bị tác động nhiều về giá cả, khi giá cả thế giới đang tăng”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
Dù khẳng định tình hình lạm phát vẫn khó đoán trong những tháng cuối năm, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Trần Đình Thiên cho biết: “Sống trong hoàn cảnh không bình thường thì tư duy của chúng ta phải khác thường. Việt Nam đang có nền tảng tốt, kinh tế đang có đà, có khát vọng thì có thể bứt phát và chúng ta không nên lãng phí cơ hội này. Sắp tới, chúng ta có thể phải “bơm tiền” vào nền kinh tế để kìm chế lạm phát tăng”.
Trong 6 tháng qua, giá cả tăng cao theo giá xăng khiến đời sống của người lao động khó khăn. |
Theo ông Trần Đình Thiên, sở dĩ cần “bơm tiền” vào nền kinh tế là trong trường hợp nền kinh tế bị lạm phát dẫn đến DN có thể “thiếu máu”, thiếu nguồn lực. Ngoài ra, “bơm máu” vào nền kinh tế là biện pháp “lấy độc trị độc”. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để hồi phục sản xuất, kinh tế trở lại để phát triển nền kinh tế ổn định, mặt khác còn cân bằng, minh bạch nguồn vốn cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhất.
Chia sẻ thêm giải pháp kìm chế lạm phát, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, hiện nay tín dụng tăng trưởng khá cao, cụ thể tính đến hết tháng 6 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần thận trọng, không thể bung tín dụng ra vì làm như vậy dẫn đến hệ lụy xấu. Thay vào đó, ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, để kìm chế lạm phát tăng cao, các nhà quản lý cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỉ giá để giảm sức ép lạm phát. Cụ thể, cần tiếp tục ưu tiên thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng; tiếp tục tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu…
Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa sao cho hợp lý, bảo đảm hiệu quả như: phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công; tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt…
Nguồn: Báo xây dựng