Điều gì xảy ra khi không quát mắng con trong 2 tuần?
Điều gì xảy ra khi không quát mắng con trong 2 tuần?
Theo nghiên cứu, nếu bạn thường xuyên lớn giọng với trẻ sẽ khiến trẻ trở nên hung dữ, thu mình và bất an. Điều đó cũng không tốt cho cha mẹ vì những căng thẳng hàng ngày ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình.
Angelina Ivakhno – bà mẹ người Nga cũng từng hay quát mắng con đã quyết tâm thực hiện “cuộc chiến” 2 tuần không la hét, quát mắng con và kết quả cô nhận được khá bất ngờ.
Angelina Ivakhno và con trai.
Anelina đã ghi lại cuộc chiến 2 tuần một cách đầy chân thực:
Sau một buổi tối thất bại vì cãi vã với cậu con trai Michael, 4 tuổi, tôi nhận ra rằng tôi không muốn lớn tiếng với con thêm một lần nữa. Michael là một cậu bé độc lập, thông minh và tôi chắc chắn rằng mình có thể nói chuyện với con theo cách không cãi vã, la hét và xúc phạm.
Tôi đã xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và bắt đầu tìm kiếm những lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ như tôi bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Có rất nhiều lời khuyên về cách nuôi dạy con cái và quản lý cơn tức giận, vì vậy tôi ngay lập tức quyết định từ chối những lời khuyên tầm thường như “Hãy trút bỏ cơn giận của bạn” hoặc “Hãy tưởng tượng bạn ở vị trí của một đứa trẻ”. Tôi đã cố gắng chỉ chọn những cái có thể áp dụng ngay vào thực tế.
Cuối cùng, tôi quyết định lắng nghe các khuyến nghị sau:
– Cho phép con đánh giá sự tiến bộ của tôi bằng cách đưa cho con sticker để dán lên một bản báo cáo đặc biệt. Việc này để chính trẻ cũng cảm thấy rằng tôi đã tôn trọng con.
– Lập một biểu đồ tức giận, trong đó tôi phải ghi lại những lần tôi quát mắng con trai mình cũng như lý do khiến tôi mất bình tĩnh.
– Nếu thực sự muốn hét lên, hãy cố gắng chỉ thì thầm.
– Tìm kiếm các tín hiệu tức giận như nắm đấm, nghiến răng và khi đã phát hiện ra chúng, hãy giữ im lặng cho đến khi cảm thấy bình thường lại.
– Thay vì la hét, hãy thử vỗ tay. Nó có vẻ kỳ lạ nhưng đồng thời, tôi cũng bị hấp dẫn bởi một thứ quá đơn giản và hiệu quả.
– Tôi tự làm một lời nhắc nhở cho bản thân bằng cách vẽ một biểu tượng cái loa ở phía sau bàn tay.
– Tôi đặt ra một quy tắc cho bản thân là không thay thế việc la hét bằng những lựa chọn thay thế tiêu cực.
– Tôi quyết định bắt đầu áp dụng vào thứ năm thay vì thứ hai để loại bỏ nguy cơ trì hoãn.
Ngày 1
Mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tôi rất hào hứng với những thay đổi sắp tới, rất vui khi theo dõi hành vi của mình và không lớn tiếng lần nào vào ngày hôm đó. Nhưng đúng như tôi dự đoán, mọi thứ không đơn giản như vậy.
Ngày 2
Michael thấy lời nhắc nhở trên tay tôi và hỏi liệu con cũng có thể có một lời nhắc như thế không. “Để con nhắc con không hét vào tai mẹ nhé” – bé nói. Tôi đã vẽ cho con một hình.
Đêm đó, khi nó cãi nhau với bố, nó bắt đầu khóc và xoa xoa tay than thở: “Tại sao con đồng ý với việc này? Tại sao việc này lại xảy ra với con?”. Lắng nghe những lời than vãn này trong khi cố giữ bình tĩnh, tôi cũng đang tự hỏi liệu mình có thể giữ bình tĩnh và đặt được những câu hỏi trong tình huống tương tự?
Ngày 3-4
Hệ thống đánh giá hành vi của tôi không hiệu quả. Rõ ràng, nó được thiết kế cho trẻ lớn hơn. Michael thậm chí không cố gắng hiểu bản chất của việc đánh giá, con chỉ thích dán vào các nhãn dán.
Ngày thứ 5
Khó khăn bắt đầu xảy ra khi Michael rên rỉ nhiều hơn. Tôi đã phải áp dụng một quy tắc mới: “Mẹ sẽ không la hét nếu con ngừng rên rỉ”. Thằng bé bắt đầu tìm hiểu làm thế nào để bình tĩnh nói ra nhu cầu và khiếu nại của mình mà không rên rỉ hay nói bằng giọng không hài lòng. Nó cũng trở nên dễ tiếp thu hơn với những yêu cầu được thực hiện bằng những lời điềm tĩnh.
Ngày 6
Michael bắt đầu trêu chọc tôi. Việc nhỏ đó thôi cũng khiến tôi gần cáu và ngay lúc đó tôi bắt đầu đếm đến 10. Rồi tôi yêu cầu Michael không làm điều đó một lần nữa.
Ngày 7
Tôi nhận thấy rằng tôi ít giận dữ, la hét và rên rỉ hơn. Tất cả những lần tôi to tiếng chỉ là để gọi to tên Michael. Chẳng bao lâu, điều này đã được thay thế bằng vỗ tay.
Ngày 8
Thất bại nghiêm trọng đầu tiên đã xảy ra vào ngày này. Michael mang bài tập về nhà. Tôi đã ngồi xuống với con, sẵn sàng trở thành một người mẹ tốt, người sẽ giữ bình tĩnh nhưng cuối cùng lại mất kiểm soát.
Hướng dẫn cho một đứa trẻ tập viết không phải là việc cho những người yếu tim.
Ngày 9
Tôi cảm thấy hối hận về hành động ngày hôm trước, việc này khiến tôi thức khuya và vào ngày thứ 9 tôi thức dậy với cảm giác thật khó để hành xử tốt những ngày sau.
Ngày 10
Ngày này đánh dấu sự khởi đầu của những ngày không có tiếng la hét! Ngay cả chồng tôi, người quá bận rộn để quan sát những gì đang diễn ra, cũng nói rằng những thay đổi trong hành vi của con chúng tôi có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Ngày 11
Con trai tôi học cách đối thoại (miễn cưỡng) và bắt đầu đồng ý thỏa hiệp. Bé cũng cố gắng hỏi những gì con muốn, chẳng hạn như: “Bố/mẹ có phiền không nếu con bật điều hòa?”. Tôi bị bất ngờ trước sự lịch thiệp chưa từng có của con
Ngày 12
Chỉ vào ngày này, cuối cùng tôi đã sử dụng lời khuyên về việc thay thế việc la hét bằng thì thầm. Tôi đang cố giải thích cho Michael hiểu tại sao nói với người lạ rằng họ bốc mùi thì không được, nhưng anh ấy đang lăn lộn quanh chiếc xe đồ chơi của mình, dường như không nghe thấy tôi nói gì cả.
Nếu như trước, tôi đã la hét để thu hút sự chú ý của con thì lần này, tôi giảm âm thanh xuống mức tối thiểu, thì thầm vào tai con. Điều này có hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ tiếng hét nào vì ngay lập tức, bé tham gia vào cuộc trò chuyện và hỏi một số câu hỏi về cách giao tiếp với người lạ. Kể từ đó, những tình huống khó chịu như thế này đã chấm dứt.
Ngày 13
Tôi bất ngờ bị mất kiểm soát một lần nữa khi Michael nhất quyết không chịu tập đi xe đạp mặc dù nó cầu xin chúng tôi một tháng để mua xe. Lúc đó, tôi đã bắt đầu la hét.
Một ý tưởng nẩy ra trong đầu tôi, tôi đã để con trai thảo luận tình hình với bố, loại bỏ bản thân khỏi tình huống. Tôi nghĩ đôi khi nên “ủy quyền” cho người khác để tránh những la hét, quát mắng không đáng có.
Ngày 14: Sau 2 lần thất bại, tôi đã thành công trong việc ngừng quát mắng con.
Bài học kinh nghiệm sau 2 tuần không quát mắng con
– Nếu hành động của con làm tôi bực bội, hành động đó có thể sẽ xảy ra lần nữa. Do đó, tôi không thể lờ đi khỏi những khoảnh khắc như vậy.
– Nếu tôi phải hét lên, điều quan trọng là xin lỗi con một cách kịp thời.
– Hành vi của con là sự phản ánh thái độ của người lớn đối với chúng – lời nói của trẻ con không phải là những lời nói trống rỗng.
– Trước khi bước vào “cuộc chiến” này, tôi đã to tiếng trong cuộc trò chuyện với Michael khoảng 12 lần. Con cũng đã thể hiện cảm xúc tương tự và khoảng 80% phản ứng của bé khi thực hiện yêu cầu là khó chịu và cằn nhằn.
– Bây giờ tôi hầu như không bao giờ phải cao giọng. Michael cũng đã trở nên bình tĩnh hơn nhiều, đang học cách đáp lại một cách khôn ngoan với những điều con không thích.
– Quy tắc không la hét đã tạo nên một sự thay đổi trong mối quan hệ của gia đình tôi mà tôi chưa từng thành công khi áp dụng các phương pháp khác.